Hà Nội: Giáo viên khắc phục khó khăn, sáng tạo trong dạy môn tích hợp
Khắc phục khó khăn để tiến hành dạy và học
Nhận được chương trình giáo dục phổ thông mới, với các môn tích hợp, trong thời gian chờ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn để dạy môn tích hợp, nhiều trường cho giáo viên môn nào dạy môn đó, tự khắc phục khó khăn trong thời gian này. Tuy nhiên, một số trường đã ngồi lại và đưa ra các phương án để giảng dạy hiệu quả nhất.
Giáo viên trường THCS Thanh Am tìm hiểu và soạn bài giảng môn Khoa học tự nhiên |
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) cho biết: “Các môn tích hợp, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) đã mang đến không ít những khó khăn và thách thức trong việc thay đổi cách dạy, cách chuẩn bị bài giảng, soạn giáo án hay phương pháp tính điểm, cộng điểm.
Đây vừa là môn học mới, lại vừa phải dạy online nên nhà trường và giáo viên đã cùng ngồi lại và đưa ra các phương pháp dạy và học sao cho phù hợp, đảm bảo chất lượng với học sinh. Trong đó, chúng tôi đã cùng nhau đưa ra ba phương án.
Phương án dạy song song là tách các môn ra để giảng dạy; Dạy nối tiếp, không bóc tách ra, ưu điểm là đã tích hợp nhưng phương pháp kiểm tra mất thời gian, giáo viên áp lực và vất vả; Dạy tuần tự, tích hợp giáo viên ba trong một. Mặc dù ở cách này, các thầy cô chưa được đào tạo bài bản nhưng bằng cách thường xuyên trao đổi và thống nhất các phương án với nhau thì việc giảng bài vẫn diễn ra ổn thỏa”.
Một tiết Khoa học tự nhiên của lớp 6A4 trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) |
Bà Lê Thị Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng THCS Thanh Am, quận Long Biên cho biết: “Mặc dù thời gian đầu thực hiện chương trình mới ở khối lớp 6 có đôi chút bỡ ngỡ, đặc biệt là ở bộ môn Khoa học tự nhiên. Đến nay, trường THCS Thanh Am đã tháo gỡ được những khó khăn và đang thực hiện bộ môn này một cách thuận lợi.
Sau những buổi được trrao đổi, tư vấn từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, các tác giả sách giáo khoa, Ban Giám hiệu trường THCS Thanh Am đã hiểu rõ hơn định hướng, cấu trúc chương trình môn học để xây dựng kế hoạch giảng dạy đúng tinh thần của môn học.
Cùng với việc tăng cường sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu bài học, tổ chức các tiết dạy minh họa, đến nay các thầy cô giáo đã tự tin trong việc thực hiện các chủ đề của môn KHTN, hiểu rõ sự tích hợp trong nội hàm của các chủ đề và không coi đó là việc dạy trái môn, từ đó có tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ giảng dạy bộ môn này.
Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị cho các năm học tiếp theo thực hiện tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Gắn kiến thức với cuộc sống
Được sự động viên, hỗ trợ của các trường, nhiều giáo viên đã khắc phục khó khăn để tìm tòi, sáng tạo để dạy môn tích hợp.
Tiết học trực tuyến môn Khoa học tự nhiên của trường THSCS Thanh Am |
Cô giáo Thái Thị Thu Mơ, giáo viên môn Sinh trường THCS Thanh Am: “Ban đầu tôi cảm thấy thật sự khó khăn khi nghĩ đến việc dạy một lĩnh vực gồm kiến thức cả 3 môn học của chương trình hiện hành gộp lại. Tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ, tôi thấy đây là một sự đổi mới rất tích cực, tích hợp kiến thức để giải quyết các vấn đề của cuộc sống, học trò của chúng ta đang rất cần những điều này.
Dưới sự định hướng của Ban Giám hiệu, nhóm giáo viên Khoa học tự nhiên chúng tôi tăng cường thời gian sinh hoạt chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài dạy, học hỏi lẫn nhau, bổ sung kiến thức và kĩ năng truyền đạt cho nhau, khai thác triệt để các công cụ hỗ trợ như các phần mềm dạy học thông minh phù hợp với bộ môn.
Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường, học hỏi từ đồng nghiệp, tham khảo các tiết dạy trên truyền hình và một số trang web học tập, lắng nghe nhóm tác giả sách giáo khoa phân tích trên các diễn đàn, hội nghị… Từ đó, chúng tôi lựa chọn các hình thức, phương pháp dạy học phù hợp với việc dạy học trực tuyến trong giai đoạn này, giúp tự tin hơn rất nhiều khi giảng dạy.
Bên cạnh đó, tôi cũng lên kế hoạch tham gia các khoá tập huấn nâng cao, chuyên sâu hơn để sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở các năm học sau với các khối lớp 7, 8, 9”.
Một tiết thực hành môn Khoa học tự nhiên của trường THCS Ba Đình |
Cũng chia sẻ về quá trình tìm hiểu cách giảng dạy, cô Lê Thị Hương, giáo viên lớp 6A4, 6A8 THCS Ba Đình cho hay: “Mình đọc và hiểu kỹ sách giáo khoa, nghiên cứu thêm sách, tài liệu bên ngoài và lên mạng tra về kiến thức. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chủ động phân ít tiết hơn cho giáo dạy môn Khoa học tự nhiên để có thời gian trao đổi với nhau.
Tùy theo các chuyên đề thiên về môn nào nhiều hơn thì giáo viên dạy chính môn đó sẽ là người soạn bài giảng, để các cô giáo khác cùng sử dụng, sau đó sẽ dạy thử và cùng rút ra những điểm chưa được để sửa lại cho phù hợp.
Mỗi đầu tuần các cô dạy Khoa học tự nhiên sẽ cùng gặp nhau trên ứng dụng trực tuyến để trao đổi, lắng nghe và giải đáp. Chúng tôi mất khá nhiều thời gian vì vừa là môn mới, lại tích hợp nên việc dạy vẫn còn vất vả. Vì dạy online nên các giáo viên cũng liên tục phải thay đổi các phần mềm cho học sinh thấy thú vị và hấp dẫn hơn trong bài học”.
Tích hợp là môn mới lại phải dạy trực tuyến nên các nhà trường và giáo viên đã gặp không ít khó khăn. Dù thế, nhiều thầy cô vẫn khắc phục, tìm tòi, sáng tạo soạn bài giảng, tìm những kiến thức tương đồng để học hỏi, ứng dụng phần mềm tạo hiệu ứng tốt vào công tác giảng dạy.