Tích hợp nhưng vẫn dạy từng môn riêng lẻ và những điều bất hợp lý
Khẩn trương xây dựng và hoàn thành các hợp phần tích hợp vào Quy hoạch không gian biển quốc gia TP HCM công bố gần 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 tích hợp năm học 2021-2022 |
Tích hợp nhưng... môn ai người đó dạy
Cô Nguyễn Thị Mai Loan, giáo viên môn KHTN trường THCS Mai Động (Hoàng Mai) cho biết: “Môn tích hợp KHTN gồm: Lý, Hoá, Sinh. Bình thường quyển sách đó được thiết kế một môn và một giáo viên dạy nhưng tôi và nhiều cô khác chỉ được đào tạo theo chuyên ngành của một môn. Vì thế, khi chúng tôi xây dựng bài giảng chỉ xây dựng bài mình được phụ trách. Tôi dạy môn Sinh, tôi chọn bài về phân môn Sinh để giảng.
Khi xây dựng kế hoạch dạy học, 3 cô giáo phải cùng ngồi vào bàn bạc, phân công. Trong thời khoá biểu phải phân rõ ràng: Tiết Hóa hay Sinh và không thể lần lượt theo thứ tự bài trong sách. Chủ trương là dạy học liền mạch theo thứ tự bài nhưng bây giờ, khi xây dựng bài giảng, giáo viên 3 môn gộp vào cũng gặp khó khăn, phải chia nhau ra dạy thì không theo logic được.
Ví dụ như môn Lý, tiết đầu tiên đã là dạy ngay bài 5 rồi, trong khi các bài 1, 2… học sinh chưa học…”.
Học sinh nêu ý kiến cá nhân trên trang padlet trong một tiết học trực tuyến môn KHTN tại trường THCS Thanh Am (Long Biên) |
Hiện tại ở các trường, tiết KHTN, cứ đến giờ cô nào, cô ấy dạy. Trong thời khóa biểu cũng phân chia rất rõ ràng: KHTN Vật Lý, KHTN Hóa, KHTN Sinh hoặc KHTN1, KHTN2…
Giáo viên đã rối, học sinh cũng vất vả như khi chưa học tích hợp. Theo chương trình mới, sau khi tích hợp, lớp 6 giảm chỉ còn 13 môn học. Tuy nhiên với cách dạy hiện nay, trên lý thuyết là 13 quyển sách nhưng thực tế lại là 15, 16 quyển vở viết. Bởi tích hợp bao nhiêu môn sẽ có bấy nhiêu quyển vở phải ghi chép riêng.
Nhiều ý kiến cho rằng, dạy tích hợp mà mỗi cô vào dạy từng môn thì không hợp lý và không còn gọi là tích hợp, không đúng với tinh thần của giáo dục phổ thông mới. Môn tích hợp KHTN, mỗi bài đều bao gồm cả kiến thức của Lý, Hóa, Sinh ở trong một chủ đề. Chủ đề nào cũng liên quan đến các môn, chỉ là bài có Lý, Hóa hay Sinh đóng vai trò chủ đạo, chiếm tỉ lệ phần trăm nhiều hơn những môn còn lại mà thôi.
Được biết, do chương trình đưa vào vận hành nhưng chưa có lộ trình đào tạo giáo viên cho nên ngay lập tức, các trường học chưa thể đáp ứng yêu cầu. Vì thế, việc phân giáo viên từng môn vào dạy chỉ là giải pháp tình thế cho giai đoạn này.
Đưa vào dạy nhưng chưa có lộ trình đào tạo giáo viên
Học sinh tích cực tương tác khi học bài An toàn trong phòng thực hành trực tuyến môn KHTN |
Hiện nay, tất cả các trường đang khó khăn về phân công chuyên môn với bộ môn KHTN.
Cô Lê Thị Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thanh Am (Long Biên) cho biết: “Lúc trước giáo viên đang dạy riêng từng phân môn, bây giờ các môn này lại được tích hợp. Tích hợp tức là mỗi bài, mỗi chủ đề đều có nội hàm của cả 3 môn: Lý, Hóa, Sinh. Giáo viên chưa được đào tạo mà chỉ có bằng của từng phân môn chuyên biệt.
Năm nay lớp 6, kiến thức vẫn còn cơ bản, các cô tự khắc phục, tăng cường sinh hoạt chuyên môn lên để có thể dạy được tất cả các chủ đề nhưng cứ như thế này mà không có lộ trình đào tạo giáo viên, lên lớp 7, 8 kiến thức sâu hơn, các cô dạy chủ đề bao gồm kiến thức của cả 3 phân môn thì sẽ rất khó cho các cô và việc truyền tải cũng không được sâu sát đến với học sinh.
Bên cạnh đó, về phía nhà trường, do giáo viên chưa được cấp bằng, chứng chỉ đào tạo các môn KHTN dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp đội ngũ, khó khăn trong chuyên môn. Bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến thời lượng đứng lớp trong các thời điểm khác nhau của 1 năm, có giai đoạn một cô nhiều tiết lên, có cô lại ít tiết đi, không được đều”.
Hình ảnh sản phẩm thực hành của học sinh tự chế tạo đồng hồ mặt trời trong giờ học KHTN (trường THCS Thanh Am) |
Theo cô Trần Thị Mỹ Lâm, Hiệu trưởng trường THCS Xuân La, Tây Hồ, trường THCS Xuân La có 8 giáo viên dạy Lý, Hóa, Sinh. Năm nay trường đã cử 4 cô đi học, năm sau cử nốt 4 cô còn lại.
“Đến tháng 4 năm nay, 4 cô được đi học sẽ hoàn thành chương trình và đứng ra đảm nhiệm được bộ môn KHTN. Tuy nhiên, hiện trường chưa có giáo viên 3 trong 1 nên bộ môn của cô nào, cô đó dạy. Trường tôi có thuận lợi hơn là giáo viên đều có song bằng 2 môn Hóa, Sinh; Hiện chỉ khó khăn về cô dạy Lý, phải đi học thêm Hóa, Sinh, còn cô Hóa, Sinh chỉ đi học thêm môn Lý.
Ở phần chung có tích hợp các chủ đề nhưng phần đó dễ, các cô môn KHTN cũng phải họp chuyên môn thường xuyên để trau dồi những kiến thức khác nhằm dạy được những chủ đề này. Nếu bài giảng có liên quan đến môn nào thì các cô phải hỏi nhau để đảm bảo kiến thức tích hợp liên môn”, cô Mỹ Lâm cho biết.
Hiện nay Bộ hay Sở GD&ĐT chưa đưa ra kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Nếu giáo viên muốn dạy tích hợp để thuận lợi cho công tác chuyên môn đều phải tự bỏ tiền túi của mình ra đi học các lớp bồi dưỡng. Được biết, lớp bồi dưỡng chứng chỉ như thế ở trường đại học Sư phạm là 5,5 triệu, so với mức lương cơ bản của các cô là rất khó khăn.
Theo lẽ thường, khi đưa một chương trình mới vào dạy học phải có lộ trình đào tạo giáo viên trước khi triển khai nhưng hiện nay, chương trình đã triển khai trong khi giáo viên chưa đáp ứng kịp nên các nhà trường đang phải tự khắc phục. Nhiều thầy cô lo ngại, những năm tiếp theo, 4 khối cứ luôn phiên nhau dạy kiểu hiện nay thì quá khó khăn cho các nhà trường trong việc phân công chuyên môn và thời khoá biểu. Lúc đó sẽ phá vỡ cấu trúc của sách và vất vả cho giáo viên.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ và Sở GD&ĐT cần lên kế hoạch đào tạo giáo viên có đủ kiến thức, kỹ năng có thể đảm nhiệm được cả bộ môn này.