Hà Nội: Để xảy ra lây nhiễm chéo, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm
Nâng mức cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại Hà Nội Ngăn lây nhiễm chéo, Đà Nẵng tiếp tục tẩy độc tại 6 quận, huyện |
Ngày 8/8, ngay sau cuộc làm việc của Bộ Y tế với Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 để tiếp tục triển khai công tác chống dịch trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp |
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố đã ghi nhận 146 ca mắc Covid-19, trong đó có 121 trường hợp từ hai đợt trước. Đợt 3, từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 27 ca mắc, trong đó có 6 trường hợp mắc mới ngoài cộng đồng là bệnh nhân BN 224, BN 459, BN 714, BN 752, BN 785 và BN 751; 21 trường hợp là bệnh nhân trở về từ Guinea Xích đạo.
Đến nay, thành phố đã thống kê, rà soát có 96.479 người về từ Đà nẵng, trong đó có 74.901 người về từ ngày 15/7. Thành phố đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 625 trường hợp, kết quả 624 mẫu âm tính, 1 mẫu dương tính (BN 752 tại Phúc Thọ). Hà Nội cũng đã thực hiện test nhanh cho hơn 73.000 trường hợp, tất cả trường hợp dương tính khi xét nghiệm RT-PCR khẳng định lại đều cho kết quả âm tính.
Về việc điều tra, xử lý các trường hợp liên quan đến các ca bệnh mới, Hà Nội đã rà soát được 279 trường hợp F1, đã cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 223 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả; 1.177 trường hợp F2 đã được cách ly tại nhà theo quy định.
Hà Nội cũng rà soát được 10 trường hợp là người Hà Nội đi cùng chuyến xe với BN 620 tại Hà Nam; bước đầu ghi nhận 30 người có tiếp xúc gần với BN 751 tại Hải Dương (từ Cam Ranh - Khánh Hòa ra Hà Nội công tác tại Học viện Phòng không, Không quân - Sơn Tây); xác minh có 73 người đang ở Hà Nội đi trên chuyến bay VN7198 từ Đà Nẵng về Hà Nội ngày 24/7 (có 6 hành khách mắc Covid-19), trong đó có 31 trường hợp F1, hiện đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả 29 mẫu âm tính, 2 mẫu chưa có kết quả. Hà Nội còn đang cách ly tập trung 1.489 người.
Các bệnh viện thực hiện phân luồng ngay từ cổng bệnh viện; chuẩn bị sẵn sàng 1.000 giường bệnh điều trị.
Về năng lực xét nghiệm RT-PCR, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, hiện Hà Nội có 4 máy RT-PCR công suất 1.000 mẫu/ngày. Thời gian tới, có khả năng Hà Nội đặt thêm được 5 máy RT-PCR, cho phép đạt công suất 3.200 mẫu/ngày. Hà Nội cũng có 11 bệnh viện thực hiện được xét nghiệm RT-PCR. Tính tổng tất cả năng lực này, Hà Nội có thể thực hiện xét nghiệm được tối đa 5.684 mẫu/ngày.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và Hà Nội đều diễn biến phức tạp. Thành phố đã có 6 quận, huyện phát hiện ra ca dương tính, đều có nguồn gốc từ Đà Nẵng; Các bệnh nhân đi lại nhiều địa bàn, tiếp xúc nhiều người. Bên cạnh đó, Hà Nội phải tính ca bệnh 751 của Hải Dương (từ Cam Ranh – Khánh Hòa ra Hà Nội công tác tại Học viện Phòng không, không quân – Sơn Tây) như là bệnh nhân của Hà Nội do đây là trường hợp có lịch trình đi lại nhiều tại địa bàn TP.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, người từ Đà Nẵng về Hà Nội nếu từ ngày 15/7 đến nay đã là 3 tuần. Vì vậy việc xác định yếu tố thời gian để lấy mẫu xét nghiệm rất quan trọng, nếu không xét nghiệm thì có khả năng lây ra cộng đồng.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các địa phương tiếp tục tuyên truyền những người đi Đà Nẵng từ ngày 15/7 bằng đường bộ, hàng không tiếp tục khai báo y tế. Những trường hợp này cần được tiếp tục lấy mẫu RT-PCR. Hiện Hà Nội có 75.000 người đi Đà Nẵng từ ngày 15/7, trong khi thành phố có 9.500 mẫu. Thành phố sẽ cố gắng mua thêm để trong chiều nay (8/8), CDC tiếp tục phát thêm mẫu cho các đơn vị để tiến hành xét nghiệm RT-PCR. Toàn bộ mẫu này sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành xét nghiệm. Những người đi Đà Nẵng từ ngày 7/7 đến 15/7 cần đến Bệnh viện Bạch Mai để lấy mẫu máu tiếp tục thực hiện xét nghiệm.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế và các đơn vị chuẩn bị đón 800 người từ Đà Nẵng và từ nước ngoài về. Các bệnh viện phải thực hiện công tác khám, chữa bệnh đúng quy trình, nếu để xảy ra lây nhiễm chéo thì lãnh đạo các bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra kiểm tra các bệnh viện, tổ chức kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân trong công tác phòng dịch.
Liên quan đến thi tốt nghiệp THPT, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tất cả trường hợp giáo viên là trường hợp F1, F2 đều không tham gia kỳ thi; Với các trường hợp F1, F2 đều tổ chức thi sau hoặc đã xét nghiệm là âm tính thì bố trí thi phòng riêng. Các hội đồng thi phải thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn, phát khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay... bố trí nhân lực y tế để phát hiện nghi ngờ thì phải xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền ý thức của người dân trong phòng, chống dịch; hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm Bluezone; tự giác theo dõi sức khỏe, cách ly y tế tại nhà. Tất cả trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải lập tức thông báo với cơ sở y tế địa phương để được xét nghiệm RT-PCR, riêng với những đối tượng có lịch trình đi Đà Nẵng thì thực hiện cách ly ngay.