Hà Nội đảm bảo đủ hàng Tết phục vụ Nhân dân
Khánh Hòa: Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm Hà Nội bố trí 28 điểm để các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng Tết Chủ động nguồn hàng hóa, thực phẩm phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán |
Thời điểm cuối năm, hoạt động kinh doanh thương mại dần trở nên sôi động. Theo Sở Công thương Hà Nội, dự kiến, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 3%-20% theo từng nhóm hàng. Trong đó, các loại nông sản, thực phẩm, nguyên liệu chế biến đồ uống,… là những loại sản phẩm được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo tính toán của Sở Công thương, nhu cầu thực phẩm 3 tháng trước, trong và sau Tết ước khoảng 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315 nghìn tấn rau củ, 15.750 tấn thủy hải sản, 18.114 tấn thực phẩm chế biến, 156 nghìn tấn trái cây...
Nhiều đơn vị đang "chạy nước rút" chuẩn bị nguồn hàng trước, trong và sau Tết |
Để phục vụ cho thị trường Tết, các đơn vị đang “chạy nước rút” để tăng sức cạnh tranh và đảm bảo tốt nhất cho người tiêu dùng. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân cho hay, năm nay, Công ty Ba Huân sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn giá, đồng thời đưa ra thị trường một số sản phẩm thực phẩm chế biến, mới lạ về chất lượng và hương vị nhằm đa dạng sự lựa chọn của người dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, hiện Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart) đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể phục vụ trọn 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2019.
Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Cũng theo bà Dung, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên Saigon Co.op đã chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm. Đồng thời, siêu thị chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển phân phối hàng hóa để kịp thời ứng phó với chuyển biến của dịch bệnh nhằm bảo đảm hàng thiết yếu, giá tốt luôn đầy đủ, không bị đứt hàng. Mặt khác, tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 đến 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm Tết.
Đặc biệt, trong phương án dự trữ hàng hóa năm nay, Saigon Co.op cũng đã kịp thời bổ sung dự phòng một lượng tương đối các mặt hàng phòng chống dịch như: Khẩu trang, dung dịch sát trùng, nước rửa tay.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban đối ngoại Marketing, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG cho biết, năm nay, các đơn vị trực thuộc và công ty thành viên chuẩn bị các nguồn hàng hóa để kinh doanh Tết 2021 từ các sản phẩm mang thương hiệu Hapro và các sản phẩm do các đơn vị trực thuộc, công ty thành viên kinh doanh...
“Ngoài 8 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình Bình ổn thị trường như gạo tẻ, thịt lợn, trứng gia cầm, thủy-hải sản, dầu ăn, thực phẩm chế biến, sữa, bánh mứt kẹo; Trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: rượu – bia – nước giải khát; Các mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); Các loại quả - hạt khô phục vụ Tết...”, bà Hiền nhấn mạnh.
Hà Nội đảm bảo không thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết |
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngành Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2020.
Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội cũng phối hợp với Sở Công thương các tỉnh tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho Nhân dân Thủ đô.
Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ Nhân dân Thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Để bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân, ngoài sự chuẩn bị hàng của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các chương trình, sự kiện lớn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; Kịp thời điều tiết cung - cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tăng giá đột biến.