Chủ động nguồn hàng hóa, thực phẩm phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán
Thành phố Hà Nội đã lên phương án chủ động nguồn hàng hóa, thực phẩm để phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán
Bài liên quan
Hà Nội: Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 420 triệu đồng
Hà Nội triển khai nhiệm vụ phục vụ nhân dân đón Tết
Chuẩn bị mọi điều kiện để nhân dân đón Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi
Sôi động các tour du lịch nước ngoài ngắn ngày trong dịp nghỉ Tết
Không lo thiếu thực phẩm trong dịp Tết
Năm nay, Tết Nguyên đán đến khá sớm, nên việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai tương đối đầy đủ. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đang khẩn trương, tăng cường kiểm soát chặt về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, giá cả, bảo đảm cho người dân Hà Nội không thiếu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, nhất là trong bối cảnh mặt hàng thịt lợn đang có nhiều biến động.
Dự báo về mức tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Dịp tết năm nay, nhu cầu thịt lợn tăng 22.300 tấn/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến nguồn cung giảm mạnh. Đàn lợn toàn thành phố giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước”.
Nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và sản xuất thực phẩm chế biến. Hiện, có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường trong hai tháng tết, với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 6-7% lượng hàng hoá so với Tết 2019. Các doanh nghiệp thương mại lớn nh: Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội... đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình từ 10-25% so với năm ngoái, với tổng giá trị tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Hệ thống siêu thị Big C cũng kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái... tổ chức các tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của Big C trên địa bàn Hà Nội để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân |
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, doanh nghiệp bán lẻ đã tăng dự trữ hàng hóa từ 30-50% so với năm trước”.
Còn theo bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông): “Để bảo đảm công tác bình ổn giá theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, cũng như của riêng doanh nghiệp, đơn vị đã tính toán và chủ động làm việc với nhà cung cấp nhằm bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của người dân trong suốt tháng cận Tết".
Đối với siêu thị Big C Thăng Long, Giám đốc Khúc Tiến Hà, cho biết: “Siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, trong cơ cấu hàng hóa dự trữ có khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà. Đặc biệt, siêu thị cũng chuẩn bị các chương trình “khóa giá” bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, hệ thống siêu thị Big C cũng kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái... tổ chức các tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của Big C trên địa bàn Hà Nội”.
Đặc biệt, đối với việc dự trữ thực phẩm tươi sống, nhất là mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp bán lẻ đã chuẩn bị hệ thống kho bãi, kho lạnh để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường. Riêng với mặt hàng thịt lợn, ngoài việc khai thác nguồn hàng tại các tỉnh phía Bắc, nhiều siêu thị sẵn sàng vận chuyển một lượng lớn từ thị trường phía Nam đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức bán hàng tại 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, Sở cũng tổ chức nhiều điểm bán hàng phục vụ Tết như: Tổ chức bán hàng lưu động tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, xã miền núi để phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội… để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Thành phố Hà Nội đã lên phương án chủ động nguồn hàng hóa, thực phẩm phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán |
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: “Để hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố sẽ tổ chức kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố khác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn. Đồng thời triển khai hiệu quả chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu và chương trình dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn và doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phòng, chống lụt bão chủ động giá cả để ổn định thị trường trong dịp Tết.
Đặc biệt, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoạt động vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của ngành Công thương trong dịp này là theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa phục vụ Tết để chủ động xây dựng các phương án, kịp thời đề xuất giải pháp vận chuyển, nhằm ổn định giá cả thị trường.
Cùng với đó, Sở Công thương cần chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố và các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... Đồng thời, thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết...
Trước những biến động mạnh của giá thịt lợn - thực phẩm truyền thống dịp Tết, UBND thành phố yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Sở Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra. Các doanh nghiệp rà soát lại kho hàng tích trữ hàng hóa, phòng trường hợp biến động để cung cấp kịp thời cho hệ thống siêu thị, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá. Ngoài ra, các ngân hàng bảo đảm đủ tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn dự trữ hàng Tết.