Hà Nội chuyển đổi sản xuất xanh để phát triển bền vững
Cơ hội hút đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh
Nhằm quảng bá hình ảnh thành phố Hà Nội, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư các công nghệ xanh và sản phẩm thân thiện với môi trường, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch được UBND thành phố Hà Nội giao tổ chức Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển - “Link to Grow” - Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc 2024 với chủ đề thu hút đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững.
Sự kiện cũng nhằm tuyên truyền, phổ biến thông tin về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ xanh trong thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường; Thực hiện Chương trình số 03/CTr-UBND ngày 19/2/2024 của UBND thành phố Hà Nội về Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội năm 2024.
Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển - “Link to Grow” - Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc 2024 diễn ra từ ngày 25-27/10/2024 tại Vincom Mega Mall Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo đó, chương trình sẽ gồm có Triển lãm xúc tiến đầu tư, giao thương về các giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh trong nền kinh tế số; Hội nghị “Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc - Xúc tiến đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế số” và Tọa đàm xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững.
Triển lãm xúc tiến đầu tư, giao thương về các giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh trong nền kinh tế số với quy mô 2.500 m2, khoảng 70 gian hàng đã thu hút hàng chục doanh nghiệp của Hà Nội và Thanh Hoá, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Lào Cai tham gia. Trong thời gian diễn ra triển lãm các doanh nghiệp đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, các giải pháp công nghệ xanh, sử dụng ít năng lượng, nước và tài nguyên thiên nhiên.
Nhóm sản phẩm dệt may, phụ kiện từ sợi tre, sợi linen, tơ tằm, tơ sen, sợi dứa, thổ cẩm… Nhóm sản phẩm chất liệu từ thiên nhiên, thân thiện, gần gũi với môi trường: Sơ chuối, mây, tre, lá, cói, sợi bèo tây, sợi lục bình, lá cọ…Các sản phẩm tẩy rửa sản xuất từ vỏ dứa lên men; Hương từ rễ cây; Các sản phẩm làm từ bột ngô, bã mía, bã cà phê tự phân hủy sinh học…
Nhóm sản phẩm nông sản, thực phẩm nguyên liệu tự nhiên, hữu cơ, không phụ gia, ứng dụng các giải pháp công nghệ xanh: Nước khoáng từ lá tre, trà, cà phê các loại, các sản phẩm từ sâm, trái cây tươi, trái cây dại, bột rau sấy lạnh, gạo, ngũ cốc, bánh kẹo truyền thống, mật dừa, đường, bột sữa hạt… Nhóm sản phẩm về giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh: Xe ô tô điện, xe máy điện, thiết bị lọc nước, giải pháp sử dụng công nghệ để quản lý, vận hành sản xuất…
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ &Thương mại HEMR Lê Thị Lan Hương chia sẻ: Thông qua việc tham gia triển lãm, doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất bằng những chất liệu thiên nhiên gần gũi với môi trường như lụa dệt bằng tơ sen, bộ đồ dùng khi đi du lịch sản xuất từ mây tre… Đồng thời tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất xanh.
Đưa Hà Nội trở thành trung tâm sản xuất xanh
Phó Giám đốc HPA Nguyễn Trần Quang cho biết: Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc, đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong quý 2 năm 2024 tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, đã có mức tăng trưởng vượt bậc trong các ngành công nghiệp, du lịch và dịch vụ.
Phó Giám đốc HPA Nguyễn Trần Quang phát biểu tại Tọa đàm xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững |
Tuy nhiên, song song với sự phát triển kinh tế là những thách thức về môi trường. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 chỉ ra rằng, hơn 30% các khu công nghiệp tại phía Bắc chưa đáp ứng tiêu chuẩn về xử lý nước thải và chất thải rắn. Việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên không hợp lý đã dẫn đến suy thoái đất đai, ô nhiễm không khí, và cạn kiệt nguồn nước ngọt.
Chính vì thế, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong dài hạn.
Ông Nguyễn Trần Quang cũng nhấn mạnh: Chuyển đổi sản xuất xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và xã hội. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2022, các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất xanh có thể tiết kiệm được 10-30% chi phí năng lượng và nguyên vật liệu. Điển hình là Tập đoàn Năng lượng Xanh tại Hải Phòng đã tiết kiệm được 25% chi phí vận hành nhờ vào việc ứng dụng công nghệ tái chế và tái sử dụng nguyên liệu.
Các đại biểu nhấn nút khai mạc Triển lãm xúc tiến đầu tư, giao thương về các giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh |
Bên cạnh đó, sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện nay, nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường cho hàng hóa nhập khẩu. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh không chỉ dễ dàng tiếp cận các thị trường này mà còn được hưởng các ưu đãi về thuế và xuất khẩu.
Từ góc độ xã hội, sản xuất xanh giúp tạo ra các công việc mới trong các ngành công nghệ xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xanh, đến năm 2030, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh có thể tạo thêm 2 triệu việc làm trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, và nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam
Do đó, Triển lãm là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giải pháp hướng tới đầu tư, sản xuất xanh, phát triển bền vững. Đồng thời các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng ít năng lượng, nước và tài nguyên thiên nhiên… sẽ đẩy mạnh giao dịch, kết nối, hợp tác, góp phần đưa thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trở thành trung tâm sản xuất xanh và công nghệ xanh của cả nước và trong khu vực.