Hà Nội: Các tổ kiểm tra siết chặt xử lý vi phạm giãn cách xã hội
Hà Nội: Trong 29 ca mắc mới Covid-19, quận Đống Đa có 20 Hà Nội: Khai giảng qua truyền hình - Mùa tựu trường đặc biệt... |
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin với báo chí về công tác phòng chống dịch chiều 20/8 tại Thành ủy Hà Nội |
Mô hình công an cơ sở đã phát huy tốt vai trò ở địa bàn
Phát biểu tại buổi thông tin báo chí về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội mới đây, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Công an TP đã triển khai 23 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ ra thành phố và các chốt kiểm soát đường ngang, lối mở, bến đò giáp ranh để kiểm soát chặt toàn bộ lưu thông từ ngoại tỉnh ra vào Thủ đô. Số lượng phương tiện ra vào, qua lại Thủ đô rất lớn.
“Nếu triển khai kiểm soát không khẩn trương, nhanh chóng thì sẽ gây ùn tắc, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch. Công an Hà Nội đã có nhiều cải tiến phân luồng kiểm soát, khẩn trương đẩy nhanh tốc độ kiểm soát tại các chốt, ngăn ngừa ùn tắc tối đa”, Đại tá Trần Ngọc Dương nhấn mạnh. Dù có sự chuẩn bị chu đáo, nhưng đây là việc làm chưa từng có tiền lệ nên không tránh khỏi những bất cập, sơ suất trong triển khai.
Tuy nhiên, sau khi triển khai các chốt chặn, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch của thành phố đã nhiều chuyển biến tích cực, kiểm soát tốt số lượng và lưu lượng phương tiện ra vào và đi qua thành phố. Do khối lượng công việc lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra cũng phát sinh một vài bất cập.
Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Công an Hà Nội phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi, thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng tại các chốt, như: Thuê xe cứu thương đưa người vào Hà Nội, gọi xe cứu nạn, cứu hộ rồi tranh thủ đưa phương tiện và người chui, đi lại trên đường không đúng quy định, lấy cớ đi tiêm vắc xin. Song song với đó, Công an Hà Nội tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm bên trong địa bàn như: Hộ kinh doanh lén lút trái phép, người dân ra ngoài tập thể dục bất chấp giãn cách.
Công an TP Hà Nội sẽ xử lý nghiêm, có thái độ cương quyết đối với mọi vi phạm về giãn cách xã hội từ nay đến ngày 6/9/2021; Đối với lực lượng thi hành công vụ thì cần chuẩn mực, đúng quy định về tác phong. Đồng thời, Công an Hà Nội tiếp tục bảo đảm nhiệm vụ chốt chặt ở các điểm phong tỏa các ca nhiễm mới, địa bàn nguy cơ lây nhiễm cao. Nhiệm vụ bảo vệ các điểm thu dung, điểm cách ly mới... của thành phố cũng tiếp tục được các lực lượng Công an Hà Nội đảm nhiệm và phân công đầy đủ.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của người giao hàng tại ngã tư Trần Đại Nghĩa - Đại La (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) |
Theo lãnh đạo Công an TP, điểm đáng ghi nhận là mô hình công an cơ sở đã phát huy tốt vai trò ở địa bàn. Đây là một điểm sáng của Hà Nội so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, khi cảnh sát khu vực tham gia tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng ở địa bàn cơ sở, giúp nâng cao vị thế và hiệu quả công tác rất nhiều. Có thể nói, đó chính là mô hình duy nhất, đặc trưng của Công an Hà Nội so với toàn quốc, khẳng định được hiệu quả của công an địa bàn cơ sở hiện nay.
Trong quá trình hoạt động của các chốt, chính quyền và Nhân dân địa phương rất ủng hộ và giúp đỡ lực lượng Công an Thủ đô hoàn thành nhiệm vụ ở các chốt. Điều này giúp cho cán bộ, chiến sĩ công an đảm bảo quân số, sức khỏe để đáp ứng tốt yêu cầu làm việc. “Chúng tôi cũng dự phòng thời tiết mưa bão, không thuận, anh em cán bộ chiến sĩ trực chốt phải khắc phục để đảm bảo công tác phòng dịch”, Đại tá Trần Ngọc Dương nói.
Xử lý mạnh hơn
Trong thời gian giãn cách xã hội, trước tình trạng có lúc người dân ra đường còn đông, nhất là vào các cung giờ tan tầm, Công an TP đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức 6 tổ kiểm tra cơ động liên lực lượng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Vi phạm qua các ngày cũng đang giảm dần. Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết, các tổ kiểm tra này sẽ hoạt động mạnh hơn và xử lý nghiêm mọi vi phạm, ngăn chặn mọi ý định ra đường không cần thiết và răn đe hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật trong khoảng thời gian cần phải tăng cường giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh.
Tỷ lệ người dân ra đường không có giấy phép chiếm khoảng 10%. Trong 90% số công dân sở hữu giấy đi đường thì có tới 90% giấy phép do doanh nghiệp cung cấp cho nhân viên. Lực lượng chức năng phát hiện có giấy đi đường khống (đến chốt vội vàng điền tên vào), giấy đi đường giả mạo.
Đáng chú ý, Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết, với các trường hợp lưu thông trên đường có giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, Công an TP sẽ đề xuất quản lý bằng tin nhắn của các đơn vị cấp phép. Với các doanh nghiệp được phê duyệt phương án lao động sản xuất đã được xã phường phê duyệt, Công an TP kiến nghị xã phường cấp phù hiệu cho những lao động này.
"Công an TP sẽ thống kê lại thực trạng hiện nay và sớm có phương án cụ thể", Đại tá Trần Ngọc Dương nói.