Gỗ lậu “hiên ngang” qua trạm, rừng bị “xẻ thịt” không thương tiếc
Hàng đoàn xe máy chở gỗ “hiên ngang” qua trạm
Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Dreh (BQL RPH Nam Sông Ba, huyện Krông Pa, Gia Lai) nằm cách từ đường Đông Trường Sơn (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) rẽ vào khu sản xuất khoảng 6 km thì đến hồ thủy nông Ia Dreh.
Từ nguồn tin người dân phản ánh về tình trạng xe gỗ lậu liên tục đi qua trạm mà không xử lý. Để làm rõ, nhóm PV đã nhiều ngày “mật phục” trước cửa Trạm QLBVR Ia Dreh để quan sát sự “tiếp tay” của các cán bộ lâm trường cho lâm tặc.
Ngay từ sáng sớm, những chiếc xe máy "đặc chủng" (người dân hay gọi là xe sắt) nối đuôi nhau đi vào hướng rừng. Tất cả đều phải đi qua Trạm QLBVR Dreh.
Từng đoàn xe sắt chở gỗ ra khỏi rừng |
Hàng ngày, từ 15 giờ 30 đến khoảng hơn 18 giờ, những chiếc xe sắt chở gỗ có chiều dài hơn 50cm trở lên từ trong rừng đi ra. Khi gần đến trạm, các xe cử đại điện hoặc tự mình vào trạm để “nói chuyện”.
Khi đã “nói chuyện” xong, một người sẽ hiệu lệnh và từng đoàn xe sắt chở gỗ lậu đi qua trạm một cách ngang nhiên mà không bị xử lý.
Lâm tặc tập kết gỗ ở gần cổng Trạm QLBVR Dreh để chờ người vào “nói chuyện” |
Trong nhiều ngày mật phục tại đây, nhóm PV không hề thấy các cán bộ tại trạm này chặn bắt bất kỳ một xe chở gỗ nào đi qua. Và mặc dù lâm tặc có hai nhánh đường để qua trạm nhưng tất cả xe gỗ lậu đều để cách trạm từ 100 – 300m.
Lâm tặc tập kết gỗ ở gần cổng Trạm QLBVR Dreh để chờ người vào “nói chuyện” |
Lâm tặc “xẻ thịt” rừng không thương tiếc
Để biết vị trí rừng bị phá, nhóm phóng viên đã đi theo nhóm người vào sâu trong rừng. Vượt qua chặng đường rừng hơn 15km bằng chiếc xe sắt được độ chế thêm nhông, xích, chúng tôi mới tới được địa điểm khai thác gỗ trái phép.
Khoảng hơn 10h sáng, cánh rừng giao khoán do cộng đồng buôn Kniê đang có nhiều nhóm người khai thác gỗ trái phép.
Lâm tặc ngang nhiên phá rừng, chính quyền không hề hay biết |
Lần mò theo tiếng cưa từ trong rừng sâu, chúng tôi đã đến được “công trường” nơi một nhóm người đồng bào đang khai thác gỗ.
Theo quan sát của PV, trong 11 người thì có 4 người làm nhiệm vụ hạ cây, 2 người xẻ và số còn lại là dùng xe sắt thay nhau vận chuyển gỗ từ dưới suối ra ngoài bìa rừng để tập kết.
Thấy người lạ tiếp cận, tiếng cưa bỗng dưng im hẳn… 6 con mắt đổ dồn vào chúng tôi có ý dò xét. Trong vai người đi săn lan, chúng tôi dễ dàng tiếp cận và quan sát nhóm người đang xẻ cây trong khu rừng giao khoán.
Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ nằm ngổn ngang giữa rừng |
Một người trong nhóm kể: “Mình là người dân trong làng, mấy cây này mới hạ hôm qua nhưng do hôm qua trời mưa nên anh em ngủ trong rừng. Sáng nay, hạ thêm chục gốc nữa rồi chiều nay tập trung xe chở gỗ ra làng và có xe tận làng đến mua. Mỗi ngày nếu bình quân trừ phí chung chi, xăng xe thì cũng được mỗi người được gần 1 triệu…”.
Nhiều gốc có gắn biển nhóm bảo vệ rừng bị đốn hạ |
Tiếng cưa tiếp tục gầm vang cả cánh rừng, người hạ cây, người xẻ hộp…tiếng cây đổ ầm ầm khiến chim muông trong rừng bay nháo nhác tìm nơi trú ẩn.
Hàng chục gốc cây đường kính từ 40 – 60cm nằm la liệt dọc đường. Những chiếc xe sắt chở 4 – 6 tấc gỗ, rồ ga vượt qua những con núi dựng đứng, theo hướng ra bìa rừng. Khó có thể tin, một “công trường” khai thác gỗ trái phép lại hoạt động một cách “công khai” như vậy mà lực lượng chức năng không biết (?)
Lâm tặc tập kết gỗ ở gần cổng Trạm QLBVR Dreh để chờ người vào “nói chuyện” với cán bộ |
Ngay sau khi phát hiện sự việc, phóng viên đã báo với Hạt kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba để phối hợp kiểm tra vị trí khai thác và thông tin gỗ lậu liên tục qua trạm.
Trao đổi với Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Văn Dương – Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba cho biết: “Tôi không ngờ các cán bộ lâm trường lại để cho gỗ lậu đi ngang nhiên qua trạm như vậy. Tại trạm này có 3 cán bộ lâm trường thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần được giao gồm: Ông Nay Ren, Nay Hương, Rô Thức. Quan điểm rõ ràng của Ban là xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay với lâm tặc để cho gỗ qua trạm. Chúng tôi sẽ xác minh và xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm…”.
Từng đoàn xe hiên ngang chở gỗ ra khỏi rừng |
Trước đây, Ban cũng đã xử lý một cán bộ để xe qua trạm trong ca trực. Sau đó, cán bộ này cũng đã có đơn xin nghỉ việc. Đối với trường hợp mà báo chí cung cấp, chúng tôi đã gọi các cán bộ tại trạm lên để hỏi thông tin. Qua đó, các cán bộ cũng nhận lỗi đúng như thông tin phóng viên cung cấp cho Ban. Cụ thể, khi cho xe đi qua, người dân thường mua cho đồ ăn cho nhân viên bảo vệ rừng trị giá 50 - 100 ngàn đồng… Đa số các cán bộ là người đồng bào và đã nhận ra lỗi vi phạm…” - ông Dương cho biết thêm.
"Lâm tặc" vào nói chuyện với cán bộ trạm |
Hiện nay Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa đang phối hợp với UBND xã Ia Rmok tiến hành kiểm tra vị trí khai thác mà phóng viên đã cung cấp…
Xe chở gỗ đỗ trước trạm của Ban quản lý rừng |
(Còn nữa!)