Giao thông Thủ đô thông thoáng trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023
Dịp Tết Nguyên đán: Không xảy ra găm hàng, ép giá Người dân Hà Nội nô nức du xuân, xin lộc đầu năm Toàn quốc xảy ra 82 vụ tai nạn giao thông sau 4 ngày nghỉ Tết |
Do sợ tắc đường, ảnh hưởng đến việc di chuyển trên các tuyến quốc lộ lớn, nhiều người dân đã chọn phương án trở lại Hà Nội từ chiều mồng 4 Tết (tức ngày 25/1/2023) và sáng mồng 5 Tết âm lịch (tức ngày 26/1/2023).
Người dân hối hả trở lại Thủ đô |
Theo ghi nhận chiều 25/1, tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn giao cắt đường vành đai 3 trên cao) ùn tắc dài hàng cây số.
Tình trạng ùn tắc xảy ra chiều 25/1 tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng vào trung tâm Hà Nội |
Đến sáng sớm 26/1, tại tuyến đường Ngọc Hồi, Giải Phóng, Quốc lộ 1A, cầu Thanh Trì, Vành đai 3... lượng phương tiện lưu thông hướng vào nội đô thành phố đông đúc.
Tại quận Hoàng Mai, khu vực có 2 bến xe lớn là Nước Ngầm và Giáp Bát; cùng với đó là ngã 3 Giải Phóng - Kim Đồng; đường dẫn lên vành đai 3 trên cao… có lượng lớn phương tiện đổ về.
Tuy nhiên, đến khoảng 10h sáng 26/1, tình hình giao thông diễn ra tương đối thuận lợi, thông thoáng.
Giao thông sáng 26/1 trên quốc lộ 5, các phương tiện lưu thông thuận lợi |
Trước đó, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) dự báo trong những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt trên các tuyến đường vào cửa ngõ của các thành phố lớn, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương… sẽ tăng đột biến, nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông dẫn đến ùn ứ giao thông có thể xảy ra. Vì vậy, đơn vị này đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc huy động 100% quân số để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân trở lại thành phố làm việc, học tập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Bộ Công an yêu cầu, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc tiếp tục bố trí cán bộ, chiến sĩ thường trực trên các tuyến giao thông để hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong quá trình trở lại các đô thị để làm việc, lao động, học tập.
Các bến xe không quá đông đúc. Giá vé được các nhà xe chấp hành theo đúng quy định, không tăng bất thường dịp Tết để đảm bảo việc đi lại của người dân |
Cùng với đó, các địa bàn có tuyến tỉnh lộ, quốc lộ không ùn tắc giao thông mà người dân, người tham gia giao thông đi bằng xe máy thì lực lượng cảnh sát giao thông ứng trực trên đường có thể giúp đỡ, hỗ trợ tiếp nước, đồ ăn nhẹ cho người tham gia giao thông bảo đảm tiếp tục lộ trình.
Lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ để tổ chức triển khai các phương án phân luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và các tuyến cửa ngõ, xuyên tâm các thành phố, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài việc ứng trực, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, cảnh sát giao thông toàn quốc cũng tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.
Trọng tâm là xử lý kiên quyết vi phạm theo các chuyên đề như: Nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, đặc biệt không để xảy ra tình trạng ô tô chở khách “nhồi nhét”, “chặt chém” chở quá số người quy định trên tất cả các địa bàn.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong ngày mùng 4 Tết 2023 (tức ngày 25/1), cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 15 người, làm 19 người bị thương.
Như vậy, sau 6 ngày nghỉ Tết (từ ngày 20 đến 25/1), cả nước xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 77 người và 96 người bị thương. So với cùng kỳ 6 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tai nạn giao thông giảm 10 vụ, giảm 6 người chết nhưng tăng 10 người bị thương.