Giải đáp pháp luật và bảo hiểm xã hội cho hơn 300 người lao động quận Hoàn Kiếm
Phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến Giải đáp pháp luật và Bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người lao động song vẫn còn không ít doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, nhất là về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động…
Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết pháp luật, nhất là pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội của một bộ phận người lao động còn hạn chế nên chưa tự bảo vệ được quyền lợi của mình khi cần thiết hoặc có những hành xử không đúng mực gây ảnh hưởng đến mối quan hệ lao động.
“Với sự hiện diện của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, hoạt động công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động sẽ có cơ hội biết thêm những kiến thức pháp luật mới liên quan đến Bộ luật Lao động mới có hiệu lực thi hành, tìm hiểu về Luật Bảo hiểm xã hội; Được giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc về chế độ chính sách khi tham gia quan hệ lao động”, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Cũng tại buổi giao lưu trực tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân cho biết, việc tổ chức giao lưu, đối thoại trực tuyến tới đông đảo cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham gia nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền của các cấp công đoàn góp phần thực hiện, thắng lợi nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bà Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến |
Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố nhấn mạnh, trong thực tiễn quan hệ lao động, các chế độ chính sách đối với người lao động như tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… là những mối quan tâm hàng đầu đối với người lao động. Việc hiểu biết cặn kẽ về chính sách này để thực hiện đúng đắn sẽ giúp cả người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tìm được tiếng nói chung, đi tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Anh Trần Minh Tuấn (Chủ tịch Công đoàn Cung Thiếu nhi Hà Nội) đặt câu hỏi |
Cũng tại buổi giao lưu, chị Trịnh Thanh Bình (Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần EH Food Việt Nam) có hỏi: Công ty tôi có nhân viên đóng bảo hiểm 100%, tích cực tham gia Công đoàn. Tuy nhiên, tháng 2 vừa rồi chúng tôi tách bộ phận thuộc công ty khác, người lao động này phải ngừng đóng bảo hiểm để ký mới, trong thời gian này, nhân viên này lại đau ốm, đi khám và không được hưởng bảo hiểm? Một trường hợp khác một công nhân tại công ty có vợ đi khám thai tại bệnh viên phụ sản lúc thai được 33 tuần. Kết quả bị tiền sản giật, thai nhi hơn tuổi thai, thai teo một phần thùy nhộng, do đó chỉ có mẹ ra viện, con phải nằm lại bệnh viện, trong “lồng ấp”. Lúc con chết, bệnh viện không cấp giấy chứng tử, người chồng cũng không nhận được chế độ thai sản, không xin được giấy xác nhận của bệnh viện về việc tử vong của con. Trường hợp này người lao động phải làm thế nào?
Về câu hỏi này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Về trường hợp thứ nhất, phải khẳng định là người lao động không phải không được thanh toán. Nói cách khác, người lao động cần thêm những giấy tờ để chứng minh sự đóng bảo hiểm tiếp nối. Nếu tháng đó người lao động không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm thì đương nhiên tháng đó không được thanh toán. Thủ tục liên quan có thể qua bảo hiểm xã hội quận, huyện để được tư vấn, giải đáp. Ở trường hợp 2, lao động này có tham gia bảo hiểm, vợ sinh, con mất… người lao động này vẫn được bảo hiểm thanh toán bình thường và chỉ cần giấy chứng sinh.
Chúng ta sẽ được thanh toán bảo hiểm 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh. Chỉ cần giấy chứng sinh khi vợ sinh con. Trường hợp con mất đi trong khi vợ lao động đó không tham gia bảo hiểm thì anh này vẫn được hưởng quyền lợi là 2 tháng lương cơ sở dành cho người tham gia đóng bảo hiểm xã hội khi vợ không tham gia đóng, không đủ điều kiện để được hưởng thì chồng vẫn được hưởng 2 tháng lương cơ sở. Nếu lao động này đóng bảo hiểm tại bảo hiểm quận Hoàn Kiếm thì liên hệ với đơn vị để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục hồ sơ.
Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bổ sung thêm về trường hợp thứ 2 rằng, vợ chồng anh chị này ra viện, trong khi không thể hiện việc đứa trẻ được sinh. Ở đây chúng ta lưu ý việc chứng minh để được hưởng quyền lợi về bảo hiểm đã được chuyên gia Dương Thị Minh Châu giải đáp. Tuy nhiên, còn 1 khía cạnh nữa đó là tư cách pháp lý của 1 chủ thể mới ra đời.
Ở đây, nếu đứa trẻ đó mới ra đời, trong thời hạn 24 tiếng từ lúc được sinh mà đứa trẻ đó chẳng may chết thì đứa trẻ đó không cần phải khai sinh. Nhưng trong trường hợp đứa trẻ đó sau 24 tiếng thì bắt buộc phải thực hiện quy trình khai sinh khai tử bởi đây là căn cứ để xác định chủ thể. Bệnh viện từ chối xác nhận đứa trẻ thì cặp vợ chồng này hoàn toàn có thể kiện bệnh viện đó ra tòa án.
Với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm về pháp luật lao động, buổi giao lưu trực tuyến ngày 16/4 là một cơ hội quý giá để người lao động nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của mình.
Gỡ vướng chính sách lao động việc làm cho các đơn vị, doanh nghiệp BHXH Việt Nam hoàn thành cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 Giải đáp thắc mắc về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội |