Giải đáp những vướng mắc về Luật Lao động cho gần 400 công nhân huyện Đan Phượng
Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, Luật Bầu cử cho công nhân, người lao động Giải đáp những vướng mắc về chính sách mới cho người lao động |
Với sự tham gia tư vấn, trả lời câu hỏi trực tiếp của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật Lao động, Bảo hiểm xã hội, buổi giao lưu hướng tới mục đích giúp các doanh nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật, nhất là những vướng mắc liên quan đến vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động... từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Tại buổi giao lưu, chị Lưu Thị Út Hường (Công ty Cổ phần Môi trường Tân Hội) băn khoăn: Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Theo quyết định 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quy định công việc của chúng tôi thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Vậy có phải chúng tôi chỉ cần đóng 15 năm bảo hiểm xã hội là có lương hưu hay cần những tiêu chí gì khác? Đối với chức vụ, chức danh của người lao động có cần ghi rõ theo danh mục nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không?
Các chuyên gia giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời: Điều kiện để hưởng lương hưu đối với trường hợp của chị là phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội và có 15 năm làm việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Người lao động có thể về hưu sớm theo quy định 5 tuổi. Đối với chức danh nghề thì phải ghi đúng theo thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội mới có thể xem xét giảm trừ tuổi đời.
Chị Lê Thị Hoa (Đan Phượng) hỏi: Xin chuyên gia cho biết thêm về những điểm mới trong giải quyết tranh chấp lao động của Bộ luật Lao động 2019 và các thủ tục tranh chấp cá nhân? Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật, vậy nhà nước có những quy định gì để người sử dụng lao động không được thưởng những hiện vật không có giá trị cho người lao động?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội giải đáp: Điểm khác biệt nhất về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân năm 2019 là ủy ban nhân dân cấp quận, huyện hiện nay chỉ mang vai trò, chức năng hỗ trợ và hướng dẫn còn thẩm quyền về giải quyết tranh chấp thuộc về 2 cơ quan là Tòa án Nhân dân và Hội đồng trọng tài cấp thành phố.
Như vậy, nếu xảy ra một vụ tranh chấp lao động giữa một cá nhân với chủ doanh nghiệp, việc đầu tiên chúng ta phải tiến hành thương lượng ở cấp cơ sở. Người trực tiếp để thương lượng đề xuất, đảm bảo cho người lao động chính là công đoàn cơ sở. Sau khi thương lượng ở cấp cơ sở không thành thì người lao động ở công đoàn cơ sở có thể đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ định hòa giải thêm.
Trong 5 ngày hòa giải, hòa giải viên không tiến hành hòa giải hoặc hòa giải không thành thì người lao động có quyền nộp đơn lên Tòa án Nhân dân hoặc Hội đồng trọng tài cấp thành phố để nhận được phán quyết cuối cùng.
Công nhân đặt câu hỏi tại buổi giao lưu |
Chị Nguyễn Thị Hà (Chủ tịch Công đoàn một trường mầm non ở huyện Đan Phượng) hỏi: Hiện tại nhân viên nuôi dưỡng đang hưởng lương theo chế độ lao động hợp đồng theo định mức. Nếu hợp đồng lao động bị chấm dứt hoặc người lao động xin thôi việc thì thủ tục và chế độ được hưởng như thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng trả lời: Trường hợp của chị là thực hiện hợp đồng 68 (hợp đồng theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan của Nhà nước) nhưng hiện nay theo quy định của pháp luật là chuyển thành hợp đồng lao động. Như vậy nếu chị bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chị xin chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật thì quyền lợi của chị được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Cụ thể, chị sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc nếu đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu và trừ trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc bằng tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Cùng với đó, chị được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Chị cũng sẽ được xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội và nhận lại giấy tờ khác; được thanh toán khoản tiền liên quan đến quyền lợi theo quy định của cơ quan.
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Ngô Văn Tuyến khẳng định, với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm về pháp luật lao động, buổi giao lưu trực tuyến hôm nay là một cơ hội quý giá để công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của mình, tìm hiểu về các chế độ chính sách mới được điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2019.
Với những kiến thức hữu ích được các chuyên gia cung cấp, sau buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người lao động, các cán bộ, công chức, viên chức sẽ nắm rõ hơn về chính sách, quy định mới về pháp luật, từ đó hiểu rõ hơn về quyền lợi, thực hiện tốt hơn nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động.