Gia Lai: Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng nào được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp Ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp mùa dịch |
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, công tác quản lý Nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quan tâm sát sao, thiết thực, kịp thời.
Tăng cường vai trò quản lý NN trong BHTN
Thất nghiệp và BHTN đã được khẳng định trong văn kiện của Đảng và được thể chế hóa bằng các chính sách phù hợp với từng giai đoạn. Cụ thể, tại Điều 140 Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002 lần đầu tiên quy định nội dung về BHTN.
Ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11. Theo đó, chính sách BHTN được thực hiện kể từ ngày 1/1/2009; với 4 chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế.
Trong đó, chính sách BHTN được thực hiện từ ngày 1/1/2015 cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN. Chính sách BHTN còn bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và cải tiến quy trình tổ chức thực hiện BHTN.Trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách BHTN và kinh nghiệm thực hiện BHTN/bảo hiểm việc làm tại các nước trên thế giới, với việc xác định lại mục đích của chính sách BHTN không chỉ dừng lại hỗ trợ người lao động về thu nhập, kỹ năng khi bị thất nghiệp để mau chóng tìm được việc làm mới, mà quan trọng hơn là phải duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp cho người lao động, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm.
Theo thông tin từ Tỉnh ủy Gia Lai, các cơ quan quản lý nhà nước, ban chỉ đạo các cấp tại tỉnh này đã phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội ở địa phương trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHTN; quản lý tốt đối tượng tham gia nhằm tăng cường quản lý quỹ BHTN theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tỉnh Gia Lai tập trung rà soát, nắm chắc các nhóm đối tượng để có kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHTN. Việc phát triển đối tượng tham gia BHTN được đánh giá là một trong những chỉ tiêu quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được tham gia.
Công tác thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo phương châm “thu đúng, thu đủ” đối với từng đơn vị, từng người lao động. Nhờ đó, số thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các năm tại Gia Lai luôn đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, năm 2012 tổng thu đạt 1.297.686 triệu đồng, đến năm 2020, tổng thu đạt 2.603.906 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với việc chấp hành chính sách BHTN được thực hiện dưới nhiều hình thức, lồng ghép với kiểm tra, giám sát hằng năm theo quy định của Điều lệ Đảng; kiểm tra, giám sát về thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW…
Những sự quản lý sát sao nói trên đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; kịp thời tháo gỡ khó khăn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả; xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về BHTN.
Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã xử lý nghiêm các vi phạm, nợ đọng, trốn đóng, lạm dụng, trục lợi quỹ BHTN. Từ năm 2012 đến tháng 8/2020, tỉnh Gia Lai đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 1.836 đơn vị (trong đó Thanh tra chuyên ngành đóng là 330 đơn vị), xử lý tình trạng chậm đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN là 55,9 tỷ đồng, đã nộp 25,2 tỷ đồng; thu hồi về quỹ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là 1,5 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 22 đơn vị với số tiền 639,5 triệu đồng; chuyển 01 hồ sơ qua cơ quan Công an kiến nghị khởi tố.
Giải pháp tăng cường quản lý NN về BHTN tại Gia Lai
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian, tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHTN, nhất là trong nghiên cứu, đề xuất, hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật BHTN.
BHTN ngày càng có vai trò lớn trong an sinh xã hội (Ảnh tư liệu) |
Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHTN thông qua việc thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia BHTN, đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi BHTN.
Đồng thời, tỉnh này hướng tới tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHTN; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm và thực thi chính sách BHTN.
Nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHTN, tỉnh Gia Lai có kế hoạch khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập thấp tham gia BHTN. Song song, quản lý tốt đối tượng tham gia bảo BHTN từ cơ sở.
Đảm bảo tính minh bạch của chính sách BHTN, tỉnh Gia Lai sẽ thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách BHTN nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng quỹ BHTN. Đồng thời, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây khó khăn trong thực hiện các thủ tục thu, giải quyết hưởng các chế độ BHTN, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 3.693 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHTN, trong đó có 3.578 trường hợp đã có quyết định hưởng trợ cấp.
Hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Thị Huyền (TP. Pleiku) nghỉ việc do công ty tạm dừng hoạt động vì không có đơn hàng. Chị Huyền cầm quyết định nghỉ việc và sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị được hưởng trợ cấp BHTN 3 triệu đồng/tháng trong vòng 6 tháng. Nhờ có khoản tiền này mà cuộc sống của chị vơi bớt phần nào khó khăn. Chị dự định khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ xin đi làm trở lại. Chị bày tỏ: “Khoản trợ cấp BHTN đã giúp tôi vượt qua khó khăn trước mắt”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho hay: Khi mất việc làm, người lao động tham gia BHTN sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Hàng năm, Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan như BHXH, Bưu điện tỉnh và doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền về chính sách BHTN; tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho hàng ngàn lao động. Ngoài trợ cấp thất nghiệp, chính sách BHTN còn hỗ trợ đào tạo nghề để người lao động có điều kiện tìm việc làm mới. Trước khi dịch bệnh xảy ra, đơn vị phối hợp với Tỉnh đoàn, doanh nghiệp có chức năng tuyển dụng lao động trong nước và xuất khẩu lao động tổ chức ngày hội việc làm, nhằm cung cấp thông tin về thị trường việc làm, chính sách BHTN cho người lao động và các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Truyền, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là cơ quan thực hiện tiếp nhận hồ sơ trợ cấp thất nghiệp và thực hiện các quyền lợi cho người lao động bị thất nghiệp. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền cho người lao động tham gia BHTN, những trường hợp bị mất việc làm tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thay vì lĩnh trợ cấp BHXH một lần. Để việc tư vấn giới thiệu việc làm không bị gián đoạn, Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua Zalo, Facebook, gọi điện trực tiếp giúp người lao động nắm rõ hơn các quy định mới của chính sách, đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHTN.