GDP quý II năm 2021 tăng 6,61%
GDP quý I/2021 của cả nước tăng 4,48% Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 48,8% |
Cụ thể, theo thông tin tại buổi công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê ngày 29/6, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.
Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; Khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.
Quảng cảnh buổi họp báo |
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước; Tuy thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020 và đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế có tốc độ tăng 11,42%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,61%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014-2021, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
Trong 6 tháng có thêm 67,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,1% về so với cùng kỳ cho thấy tinh thần khởi nghiệp vẫn được duy trì tốt. Tính chung cả doanh nghiệp thành lập mới và đơn vị quay trở lại hoạt động là 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Vốn bình quân đạt trên 14 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 24,2%. Ngược lại, có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ và nền kinh tế đã nhập siêu 1,47 tỷ USD giá trị hàng hóa.
Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng, chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011-2021.
Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của 6 tháng đầu năm 2021 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,57 điểm phần trăm; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm; Ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm; Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt mức khá cho thấy hiệu quả của sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu kép, dồn sức chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Thời gian tới, các cấp, ngành, doanh nghiệp cần tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư nói chung, khơi thông thị trường và tăng cường xuất khẩu để gia tăng tốc độ tăng trưởng.