GDP quý I/2021 của cả nước tăng 4,48%
Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2021. Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý I/2021.
Cụ thể, mặc dù từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3/2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội cả nước nhưng GDP quý I/2021 vẫn tăng 4,48%, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,68% của quý I/2020. Điều đó cho thấy nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.
Đáng chú ý, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 6,5%; số doanh nghiệp thành lập mới là 29,3 nghìn đơn vị. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1%.
Quang cảnh buổi họp |
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 77,34 tỷ USD, tăng 22%, xuất siêu 2,03 tỷ USD… Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 0,29%; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,48% là mức tăng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I/2021.
Điểm tích cực của kinh tế quý I/2021 là khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Cụ thể, trong quý I/2021, bán buôn và bán lẻ tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,67 điểm phần trăm).
Trong khi đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%, làm giảm 0,15 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
GDP quý I/2021 vẫn tăng 4,48%, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,68% của quý I/2020 |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý II/2021, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Cùng với đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh việc kiểm soát dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp thực hiện trong quý II/2021. Đó là tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021; Mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế; phát huy lợi thế thành công trong ngăn ngừa và xử lý dịch Covid-19 thời gian qua, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư.
Đồng thời, chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dự án có chất lượng, thân thiện môi trường, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.
Khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước…