EVNNPC hướng đến xây dựng doanh nghiệp số năm 2025
Đem kiến thức về an toàn và tiết kiệm điện đến với đồng bào các dân tộc (Cao Lộc |
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển, đồng thời cũng là những thách thức to lớn đối với EVNNPC. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của mình trong thời kỳ đổi mới, cán bộ, nhân viên của EVNNPC đã đoàn kết, sáng tạo, nắm bắt thời cơ hộp nhập, phát triển.
Chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm
Trên tinh thần Điện phải đi trước một bước, EVNNPC đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển lưới điện, cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc. Với triết lý lấy khách hàng làm trung tâm, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong tất cả các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm các dịch vụ điện xuất sắc nhất.
Triết lý khách hàng làm trung tâm đã được thể hiện bằng những mục tiêu cụ thể, đó là việc hiện đại hoá lưới điện để cung cấp điện liên tục, ổn định với chất lượng và độ tin cậy ngày càng cao; Đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số để nâng cao chất lượng cung cấp điện; nền tảng xuyên suốt là phải xây dựng được hệ thống lưới điện thông minh, hiện đại.
Trong nhiền năm qua EVNNPC luôn chú trọng công tác đầu tư, hiện đại hoá lưới điện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như: Ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào công tác đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện. Xây dựng các trạm biến áp kỹ thuật số, đưa vào vận hành 27 Trung tâm điều khiển xa tại tất cả các tỉnh; chuyển đổi 100% trạm biến áp 110kV vận hành theo tiêu chí không người trực, lưới điện 110 kV được xây dựng và vận hành theo tiêu chí N-1. Chương trình hiện đại hoá và quản lý lưới điện phân phối DMS, tự động hoá mạch vòng lưới trung áp DAS, chương trình đa chia, đa nối - MDMC…
Các thiết bị công nghệ tiên tiến được lắp đặt trên lưới điện với mục tiêu thu thập, giám sát tự động và điều khiển từ xa để nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện. Các công cụ và phương tiện phục vụ công tác quản lý vận hành cũng được đầu tư như: Xe, công cụ sửa chữa Hotline, thiết bị bay không người lái UAV, Camera nhiệt, thiết bị đo PD….
Song song với việc hiện đại hoá lưới điện, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tập trung chuyển đổi số trong hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2020, EVNNPC đã bắt tay vào đánh giá thực trạng số hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời nghiên cứu xu hướng chuyển đổi số trong ngành Điện của các nước trên thế giới và trong khu vực. Từ đó có những định hướng, quyết sách đúng đắn trong công cuộc chuyển đổi số của toàn Tổng công ty, với mục tiêu chung: Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và hướng tới doanh nghiệp số vào năm 2025.
Công nghệ sửa chữa lưới điện mà không cần cắt điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân |
Để thực hiện thành công Đề án chuyển đổi số, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã vào cuộc chỉ đạo rất quyết liệt. EVNNPC đã xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số tổng thể, trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị. Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số do Chủ tịch HĐTV làm Trưởng ban, Tổng giám đốc làm Phó Trưởng ban Thường trực…; các đơn vị cũng thành lập Ban chỉ đạo do người đứng đầu đơn vị làm Trưởng ban. EVNNPC đã xác định các lĩnh vực trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số gồm:
- “Số hóa dữ liệu”: Với mục tiêu tất cả dữ liệu phải được số hoá và xây dựng kho dữ liệu dùng chung thống nhất trong toàn Tổng công ty, chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh thu thập, khai thác, phân tích dữ liệu từ hiện trường, kết nối với các hệ thống điều khiển/giám sát/vận hành để nâng cao giá trị dữ liệu của Tổng công ty, đáp ứng mục tiêu của chuyển đổi số.
-“Số hóa khách hàng”: Lấy khách hàng là trung tâm, phân tích hành vi để cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng.
- “Số hóa quy trình nghiệp vụ”: Đẩy mạnh cải cách quy trình nghiệp vụ phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong toàn Tổng công ty và các đơn vị thành viên, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đến hết năm 2020 Tổng công ty đã hoàn thành chuyển đổi số cho hầu hết các lĩnh vực như: Kinh doanh, Kỹ thuật, Tài chính, An Toàn và phấn đầu hoàn thành cho các lĩnh vực còn lại trong năm 2024.
Khắc phục sửa chữa lưới điện |
Ngang tầm công ty điện lực các nước phát triển
Đến nay, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở các lĩnh vực trên đã cơ bản hoàn thành ở mức cao. Nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng, mang lại lợi ích cho khách hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, Tổng công ty Điện lực miền Bắc là đơn vị tiên phong trong việc kết nối, cung cấp dịch vụ điện với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, tích hợp và cung cấp dịch vụ điện trên nền tảng tiện ích xã hội số của một số địa phương như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Yên Bái, Vĩnh Phúc…
Đối với các chỉ tiêu chuyển đổi số trong dịch vụ khách hàng, Tổng công ty đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ như: Tỷ lệ yêu cầu dịch vụ điện thực hiện theo phương thức điện tử toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ đạt 99,97%; Tỷ lệ yêu cầu dịch vụ điện cung cấp trực tuyến đạt cấp độ 4 đạt 100%;
Tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ điện trên môi trường mạng đạt 82,81%, cùng với đó, tỷ lệ các công việc hiện trường sử dụng thiết bị di động và cập nhật dữ liệu online đạt 100%; Tỷ lệ yêu cầu của khách hàng được thực hiện đúng thời gian cam kết đạt 99,83%, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 87,5%.
Đầu tư TBA mới đưa vào sử dụng để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện |
Với triết lý khách hàng làm trung tâm, việc tập trung mọi nguồn lực để hiện đại hoá lưới điện nhằm nâng cao chất lượng điện, độ tin cậy cung cấp điện, thực hiện mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số đã mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, vì vậy đã tạo sự tin tưởng của khách hàng khi đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn miền Bắc, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đã đầu tư sản xuất tại địa bàn của Tổng công ty như Tập đoàn SAMSUNG, LG, Foxconn,….
Tại khu vực miền Bắc với các tỉnh trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nam, Vĩnh Phúc… đang trở thành điểm đến hàng đầu của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, vì vậy trong nhiều năm liên tục Tổng công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng thương phẩm cao nhất trong toàn EVN.
Tính đến hết năm 2023, tổng sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty đạt 90,52 tỷ kWh. Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc là đơn vị có điện thương phẩm đứng đầu các Tổng công ty phân trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo dự báo, năm 2024 điện Thương phẩm của Tổng công ty sẽ đạt gần 100 tỷ kWh.
EVNNPC đang nỗ lực hết mình để sớm trở thành Tổng công ty phân phối và kinh doanh điện năng hàng đầu ở Việt Nam, tiến tới ngang tầm các công ty điện lực ở các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á, dựa trên nền tảng văn hóa mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến hiện đại và hệ thống dịch vụ xuất sắc, góp phần cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và sứ mệnh được Đảng và Nhà nước giao cho theo đúng định hướng Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Có thể nói, những thành quả của Tổng công ty trong quá trình sản xuất Kinh doanh với triết lý khách hàng làm trung tâm và chuyển đổi số không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo định hướng của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.