EVNHCMC triển khai nhiều giải pháp ứng phó đợt nắng nóng mùa khô 2021
Đại diện Tổng công ty Điện lực TP HCM trao đổi và chia sẻ thông tin với báo chí về công tác quý 1/2021 và định hướng nhiệm vụ mới, đặc biệt là mùa khô năm 2021 |
Đa dạng giải pháp, kịp thời ứng phó
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng điện và công suất cực đại của năm 2020 chỉ sấp xỉ so với năm 2019. Vì vậy, đối với giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2021, EVNHCMC dựa trên số liệu vận hành năm 2019 để tính toán dự báo tăng trưởng phụ tải. Trong đó, EVNHCMC đã lựa chọn phương án dự báo tăng trưởng phụ tải ở mức 10% - là phương án cơ sở để xây dựng các kịch bản vận hành và thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung cấp điện mùa khô.
EVNHCMC đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát đánh giá và cập nhật các giải pháp điều hòa, cân đối lưới điện hiện hữu theo phương án cấp điện mùa khô năm trước, phù hợp với các kịch bản dự báo phụ tải trong mùa khô năm 2021, đảm bảo lưới điện đáp ứng tiêu chí vận hành N-1; Tăng cường sử dụng các giải pháp như máy phát, máy biến áp lưu động, thi công live-line, không bố trí công tác có mất điện để cung cấp điện liên tục cho khách hàng; Khai thác dữ liệu từ hệ thống đo đếm từ xa (MDIS) để có các kịch bản vận hành phù hợp trong giai đoạn mùa khô 2021.
Bên cạnh đó, EVNHCMC còn tập trung vào công tác đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ để đóng điện các công trình mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các tháng mùa khô. Qua đó, bổ sung 01 công trình lưới điện 220kV, 05 công trình lưới điện 110kV và 18 công trình lưới điện 22kV. EVNHCMC yêu cầu các Công ty Điện lực có giải pháp triển khai đồng bộ các công trình hoặc dự án đầu tư kiện toàn lưới điện đảm bảo đóng điện vận hành các dự án liên quan đến việc cung cấp điện mùa khô năm 2021 theo đúng tiến độ đã đề ra, xử lý các trạm phân phối đầy/quá tải cơ bản hoàn thành trước 31/3/2021.
Song song đó, EVNHCMC đã đưa vào hoạt động hệ thống tự động hóa (miniSCADA/DAS/DMS) để giám sát và điều khiển từ xa 100% lưới điện. Hiện toàn bộ trạm biến áp 110 kV do EVNHCMC quản lý đều được vận hành tự động, không người trực, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới để từng bước hoàn thiện mô hình Lưới điện thông minh (Smart Grid).
Ngoài ra, để giảm sự cố lưới điện, EVNHCMC yêu cầu các đơn vị tăng cường khai thác hiệu quả hệ thống đo đếm từ xa (MDIS), dashboard cảnh báo mất điện của tổng công ty để phát hiện và xử lý nhanh các trường hợp mất điện trạm biến áp phân phối, cũng như nâng cao chất lượng cung cấp điện (xử lý mất cân bằng pha, tình trạng non, đầy, quá tải, thiếu, quá bù CSPK…); Đẩy mạnh triển khai áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo CBM (sửa chữa bảo dưỡng hệ thống điện dựa trên tình trạng vận hành của thiết bị - bảo trì theo điều kiện) để nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán thiết bị và bảo trì định kỳ.
Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt chủ trương “Chuyển tải trước, xử lý sự cố sau”, với thời gian xử lý phấn đấu bình quân dưới 05 phút (có nghĩa khi xảy ra sự cố, ngay lập tức các đơn vị phải thực hiện chuyển tải nguồn điện qua một mạch, nhánh khác để tái lập điện ngay cho khách hàng, sau đó mới cô lập và thực hiện xử lý nơi xảy ra sự cố.
Để hiện thực hóa những điều này, EVNHCMC đã và đang tiếp tục hoàn thiện kết cấu lưới điện theo định hướng hiện đại hóa, tự động hóa vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm Điều khiển xa trong việc giám sát, điều hành lưới điện; Khai thác dữ liệu các hệ thống đo đếm xa từ các trạm biến áp 220/110kV và trạm phân phối để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý nhanh chóng cũng như không ngừng nâng cao chất lượng điện năng cung cấp.
Cùng với đó, EVNHCMC cũng đã đề ra 3 nhiệm vụ và 19 giải pháp thực hiện đồng bộ nhằm đảm bảo phòng ngừa cháy nổ do sử dụng điện trong mùa khô năm 2021.
Đẩy mạnh giao dịch trực tuyến
Hiện nay, 19 dịch vụ khách hàng liên quan đến điện lực đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4, trong đó, tất cả các dịch vụ từ đề nghị gắn mới đến kí hợp đồng hay thanh lý hợp đồng đều thực hiện qua hình thức online.
Cụ thể, khách hàng có thể thực hiện qua 4 hình thức như sau: Đầu tiên là ứng dụng chăm sóc khách hàng (CSKH) trên thiết bị di động (đã có 924.996 khách hàng cài đặt và sử dụng ứng dụng CSKH EVNHCM); Thứ hai, trang web CSKH của Tổng công ty có tên miền: cskh.evnhcmc.vn; Thứ ba, cổng dịch vụ công UBND TP HCM và cuối cùng là Cổng dịch vụ công quốc gia: https://dichvucong.gov.vn/.
Theo số liệu cho thấy, EVNHCMC đã tiếp nhận 254.022 yêu cầu khách hàng và đã được giải quyết trực tuyến 100%, trong đó có 6.939 yêu cầu tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia chiếm tỷ lệ 24,90% và 30.513 yêu cầu đã xác thực điện tử (OTP và ký số) chiếm tỷ lệ 99,12%.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cũng đưa ra khuyến nghị: “Bước vào mùa nắng nóng, khách hàng sử dụng điện hãy cài đặt ứng dụng CSKH EVNHCMC để chủ động theo dõi lượng điện sinh hoạt của gia đình mình, đồng thời thực hiện các biện pháp tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả, nhất là vệ sinh, bảo dưỡng các thiết bị làm mát như máy lạnh, để nâng cao hiệu suất sử dụng và giảm chi phí tiền điện”.
Có thể thấy, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ của EVNHCMC đều được thực hiện trên môi trường mạng, mà khách hàng không cần phải đến trụ sở điện lực để thực hiện. Việc này cũng góp phần hạn chế đi lại, tiếp xúc, cũng là một giải pháp giảm rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 hiện nay.
Trong thời gian qua, EVNHCMC còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường công tác công khai minh bạch trong hoạt động ghi chỉ số và phát hành hóa đơn tiền điện, kiểm tra, theo dõi và trả lời tất các thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện. Hoạt động này được khách hàng đánh giá rất cao cũng như sự hài lòng. |