Đồng Tháp yêu cầu doanh nghiệp sản xuất “4 tại chỗ”
Những chỉ đạo mới đáng chú ý
UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất chủ trương triệu tập sinh viên ngành sức khỏe đã hoàn thành chương trình đào tạo tình nguyện về phục vụ công tác chống dịch theo đề xuất của Sở Y tế. Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh quyết định thành lập Tổ điều phối nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, do bà Lâm Thị Ngọc Kim - Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ của Sở Y tế làm Tổ trưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thành lập cơ sở tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp. Đây là bệnh viện ngoài công lập đầu tiên ở tỉnh thực hiện nhiệm vụ này.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, bệnh viện ngoài công lập đầu tiên ở Đồng Tháp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 |
Theo đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp sử dụng nguồn nhân lực hiện có để tiếp nhận, điều trị người mắc Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình, quy mô 100 giường bệnh. Tỉnh hỗ trợ kinh phí, ưu tiên tiêm vắc xin và thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên của bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện vẫn duy trì 100 giường điều trị bệnh nhân thông thường.
Từ 0 giờ ngày 18/8, UBND huyện Lấp Vò thông báo tạm dừng hoạt động tất cả chợ, cửa hàng, tiệm tạp hóa mua, bán trên địa bàn huyện kể (trừ quầy thuốc tây và cửa hàng xăng, dầu) đến hết ngày 25/8. Cả tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 30/8/2021.
Tạm dừng hoạt động các chợ ở huyện Lấp Vò từ sáng 18/8/2021 |
Doanh nghiệp sản xuất “4 tại chỗ”
Chủ tịch UBND - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ký ban hành phương án tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh theo mô hình “4 tại chỗ”. Phương án đặt mục tiêu ngăn chặn, không để dịch tiếp tục lan rộng, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.
Mô hình “4 tại chỗ” phát triển từ “3 tại chỗ” khi thêm tiêu chí y tế tại chỗ. Doanh nghiệp phải có phương án thực hiện y tế tại đơn vị; Thành lập bộ phận y tế trực tại doanh nghiệp để xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2 với người lao động; Báo cáo kết quả các lần xét nghiệm định kỳ về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thành phố nơi doanh nghiệp có nhà máy, nhà xưởng sản xuất hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa kiểm tra Công ty TNHH Khải Phát Việt Nam ở Khu Công nghiệp Sông Hậu đang hoàn thiện “4 tại chỗ” |
Để thực hiện y tế tại chỗ, đối với các doanh nghiệp có đủ năng lực về cán bộ, thiết bị y tế thì báo cáo cơ quan y tế địa phương thẩm định. Đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện, có thể liên kết hoặc ký hợp đồng với Trung tâm Y tế địa phương, bệnh viện hoặc cơ sở y tế tư nhân có đủ năng lực để tổ chức thực hiện.
Còn “3 tại chỗ” vẫn duy trì là: Sản xuất tại chỗ (doanh nghiệp phải đảm bảo số lượng lao động đã đăng ký ban đầu); Ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ (tùy vào điều kiện thực tế và nhu cầu, doanh nghiệp có thể lựa chọn bố trí cho người lao động nghỉ ngơi tại nơi lưu trú tập trung 1 cung đường 2 điểm đến hoặc nơi lưu trú dã chiến tại doanh nghiệp theo quy định).
Đồng Tháp yêu cầu tất cả doanh nghiệp trên địa bàn phải thực hiện “4 tại chỗ”. Các doanh nghiệp hoàn chỉnh phương án “4 tại chỗ” trình UBND huyện, thành phố phê duyệt. Những doanh nghiệp có F0, F1 và đang bị phong tỏa: Khi hết thời gian phong tỏa, xây dựng phương án “4 tại chỗ” để hoạt động trở lại. Riêng thành phố Sa Đéc vì tình hình Covid-19 nóng bỏng nên chỉ cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ” hoàn chỉnh phương án “4 tại chỗ” để phê duyệt.
Thêm tiêu chí “y tế tại chỗ” ở doanh nghiệp |
Các doanh nghiệp sản xuất “4 tại chỗ” trong quá trình thực hiện phải phối hợp, cung cấp thông tin và báo cáo nhanh hằng ngày (trước 15 giờ 30 phút) cho UBND huyện, thành phố nơi doanh nghiệp có nhà máy, xưởng sản xuất hoạt động.