Đồng Nai: Đề xuất xây dựng đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh vừa nhận được văn bản đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc TP Hồ Chính Minh, tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan tham gia ý kiến đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành do liên danh đơn vị tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI); Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) lập.
Dự đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được quy hoạch là tuyến đường sắt có chức năng vận chuyển hành khách như tuyến đường sắt đô thị nhưng kết nối liên vùng (Ảnh minh họa) |
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được liên danh tư vấn đề xuất đầu tư có chiều dài 41,83km, trong đó, đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài hơn 11,7km và qua Đồng Nai dài hơn 30km.
Cũng theo liên danh đơn vị tư vấn, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được quy hoạch là tuyến đường sắt có chức năng vận chuyển hành khách như một tuyến đường sắt đô thị nhưng kết nối liên vùng.
Dựa trên đặc điểm của tuyến, nhu cầu vận chuyển hành khác, tiêu chuẩn đường sắt đô thị và kinh nghiệm trên thế giới, loại hình vận tải áp dụng cho Dự án đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành được kiến nghị là loại hình đường sắt vận chuyển nhanh (RRT/MRT).
Về hướng tuyến, theo phương án đề xuất trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến bắt đầu từ ga Thủ Thiêm đi song song về bên phải đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Sau khi giao cắt với đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến rẽ phải đi song song về bên trái tuyến đường này và tiếp tục vượt sông Đồng Nai tại vị trí cách tim cầu Nhơn Trạch khoảng 62,5m về phía thượng lưu.
Sau khi vượt sông Đồng Nai, tuyến vẫn bám sát đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh và đi vào giải phân cách bên trái của tuyến đường này theo quy hoạch của huyện Nhơn Trạch.
Đến khu vực giao cắt với đường tỉnh 25B, hướng tuyến rẽ trái và đi vào giải phân cách giữa của đường tỉnh 25B.
Đến địa phận xã Long An, huyện Long Thành, hướng tuyến rẽ phải, sau khi giao cắt với quốc lộ 51 tuyến sẽ đi ngầm cùng hàng lang của tuyến đường sắt tốc độ cao vào bên trong Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là điểm cuối của dự án.
Với phương án hướng tuyến này, trên tuyến sẽ bố trí 20 nhà ga gồm 16 ga trên cao và 4 ga ngầm. Cùng với đó, dự án cũng bố trí một khu depot rộng hơn 21ha tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành và một depot nhỏ khoảng 1,2ha tại Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức phục vụ đỗ tàu, trạm chỉnh sửa nhỏ, vệ sinh tàu.
Theo quy mô đầu tư được đề xuất, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư gần 85 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 3,4 tỷ USD (không bao gồm lãi vay). Thời gian khởi công dự án dự kiến trong năm 2026, hoàn thiện đưa vào khai thác năm 2030.
Liên danh đơn vị tư vấn đánh giá, Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có quy mô đầu tư lớn, yêu cầu cao về công nghệ, kỹ thuật. Do đó, với phương án huy động vốn, liên danh đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư dự án kết hợp vốn ngân sách nhà nước với vốn ODA. Trong đó, vốn ngân sách gần 59 ngàn tỷ đồng, chiếm 69% tổng mức đầu tư; vốn vay ODA hơn 26 ngàn tỷ đồng, chiếm 31% tổng mức đầu tư.
Để bảo đảm đồng bộ, liên danh đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư hạ tầng và phương tiện trong giai đoạn đầu khai thác theo hình thức đầu tư công; sau khi đưa vào khai thác sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phương tiện, kinh doanh vận tải và trả phí thuê hạ tầng cho Nhà nước.
Cụ thể, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng dự kiến sẽ bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để quản lý vận hành khai thác tuyến đường sắt.
Để rút ngắn tiến độ dự án, liên danh đơn vị tư vấn cũng đề xuất 15 cơ chế. chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội và 5 cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Cũng theo liên danh đơn vị tư vấn, việc đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành là rất cần thiết để thực hiện 4 mục tiêu gồm: Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra; đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và Sân bay Long Thành; tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, phân bổ dân cư, lao động dọc hành lang và tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.