Đồng lòng vượt khó khăn, tạo nhiều dấu ấn nổi bật năm 2020
Chiến dịch Đại Hùng 01 - Nhiều dấu ấn thành công Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật (*) |
Trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020 được thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt; Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, dự kiến nhiệm vụ thời gian tới (Ảnh Thống Nhất/TTXVN) |
Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và hằng năm, Chính phủ đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể; Xây dựng các phương án, kịch bản điều hành và quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Tinh thần chung trong chỉ đạo, điều hành là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Toàn cảnh hội nghị |
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt bình quân 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%, là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN). GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).
Bên cạnh các điểm sáng, tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu. Chính phủ cũng nhận diện rõ điểm nghẽn của từng địa phương, những vướng mắc, bất cập của chính sách từng ngành, khả năng chống chịu của nền kinh tế và đặt ra 12 chỉ tiêu cho năm 2021.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề. Do vậy, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội; Tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… Từ đó, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.