Đồng loạt ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Ngân hàng thứ hai giảm lãi vay sau “hiệu lệnh” của Ngân hàng Nhà nước Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc nới “room” tín dụng cho các nhà băng |
Trước đó, ngày 9/7, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã họp trực tuyến với 16 lãnh đạo ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng, hưởng ứng Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Sau cuộc họp này, ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục họp trực tuyến với đại diện Ngân hàng Nhà nước và 16 ngân hàng thương mại, qua đó đi đến đồng thuận sẽ đồng loạt giảm lãi vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sau khi đi đến đồng thuận, ngày 13/7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là nhà băng đầu tiên phát đi thông báo sẽ thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế… đồng thời tiếp tục ưu đãi, miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Tiếp theo, chiều 15/7, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông báo sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Đồng thời, ACB cũng sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/7-15/10/2021.
Bên cạnh đó, ACB cũng sẽ xét đến mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng với ngân hàng để có mức giảm lãi suất phù hợp cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đang vay tại nhà băng.
Ảnh minh họa |
Đến ngày 16/7, đồng loạt các ngân hàng khác bắt đầu thông báo giảm lãi vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo, đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021, ngân hàng sẽ giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi). Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Một nhà băng có vốn Nhà nước khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng sẽ giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng hiện hữu từ 15/7 đến hết năm.
Theo đó, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; các doanh nghiệp thuộc nhóm khác được giảm lãi suất tới 1%/năm. Với cá nhân, ngân hàng này giảm lãi suất tối đa 1 điểm % một năm cho khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, còn cá nhân vay vốn phục vụ đời sống giảm tối đa 0,5 điểm %.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo, từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021, ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.
Cụ thể, BIDV giảm lãi suất cho vay trên số dư hiện hữu đối với: Các khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải….); khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn và khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng thông báo giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,2%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh, với tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân khi xét giảm lãi suất 1%/năm.