Đóng cửa hàng quán phòng, chống dịch Covid-19: Cần sự đồng lòng của người dân
Hàng quán trên tuyến phố Khâm Thiên đóng cửa để phòng chống dịch Covid - 19
Bài liên quan
Ở nhà là yêu nước, ở nhà là chung tay đẩy lùi dịch Covid-19
Trong hai tuần tới là giai đoạn cao điểm, Hà Nội tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch
Người bệnh HIV/AIDS được cấp phát thuốc ARV tối đa 90 ngày trong mùa dịch Covid-19
Thực hiện yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội về việc tạm dừng hoạt động tất cả các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng, quán bar, karaoke, quán bia hơi… đến hết ngày 5/4 để phòng chống dịch Covid - 19, từ chiều tối 25/3 đến ngày 27/3, các địa phương trên địa bàn Thủ đô đã tích cực vào cuộc triển khai.
Quán cafe Lily nằm tại ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) mỗi buổi sáng đều đón tiếp hàng chục khách đến ăn uống, café. Tuy nhiên, sau khi UBND TP Hà Nội kêu gọi đóng cửa các hàng quán không cần thiết, quán cafe này đã đóng cửa.
Cạnh đó, cùng trên tuyến đường Lê Văn Lương một số các hàng quán khác cũng đóng cửa, một số ít các cửa hàng còn mở cửa nhưng không có khách đến mua hàng.
Tuyến phố Khâm Thiên, một trong những nơi sầm uất, đông đúc người qua lại nhất của Hà Nội những ngày gần đây cũng thưa thớt người qua lại. Trên vỉa hè, không còn tình trạng xe cộ chen chúc nhau tìm chỗ đỗ. Các hàng quán trên tuyến phố này cơ bản cũng đóng cửa, chỉ còn lại một số ít các điểm giao dịch của ngân hàng, siêu thị còn mở cửa.
Tại một số tuyến phố như Nhà Thờ, Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn là nơi thu hút đông đảo giới trẻ đến uống cafe, trà chanh đã đồng loạt đóng cửa. Còn khu vực trung tâm khu vực phố cổ thuộc địa bàn phường Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), cơ bản các hộ kinh doanh cà phê, giải khát, karaoke, quầy bán quà lưu niệm… đều đã tạm dừng hoạt động.
Theo lãnh đạo quận Đống Đa, từ tối ngày 26/3, trên địa bàn quận Đống Đa đã có 42 cơ sở dịch vụ karaoke, 64 cơ sở mat xa, 1 quán bar, 113 cửa hàng trò chơi điện tử, 3 rạp chiếu phim, 9 sân vận động, 27 phòng tập thể thao và 4.029 các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác đã nghiêm túc thực hiện việc đóng cửa ngừng kinh doanh. Hiện nay trên địa bàn quận chỉ còn các cơ sở kinh doanh dịch vụ các mặt hàng thiết yếu như: Thực phẩm, xăng dầu, nhu yếu phẩm… phục vụ đời sống hàng ngày hoạt động. 56 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự cam kết không tổ chức các hoạt động có tập trung đông người.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, quận sẽ giám sát chặt chẽ và Chủ tịch UBND 18 phường phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo quận nếu không thực hiện đúng theo chỉ đạo của quận và thành phố trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Tại quận Ba Đình, hiện lực lượng chức năng của 14 phường đang tập trung cao độ để tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cửa hàng tạm dừng việc kinh doanh. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nêu, quận đã chỉ đạo các phường tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở các trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm thời dừng mọi hoạt động kinh doanh vì cộng đồng.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, từ ngày 13/3, quận đã ra văn bản chỉ đạo các phường quyết liệt thực hiện việc đóng cửa, tạm dừng kinh doanh tại các nhà hàng, tạm dừng đón khách tại các địa điểm di tích lịch sử. Công an quận và Phòng Văn hóa - Thông tin quận được giao nhiệm vụ nắm tình hình thực tế hằng ngày để nhắc nhở và báo cáo lãnh đạo quận có biện pháp xử lý nếu vi phạm.
Tuy nhiên, chiều ngày 27/2, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận được những hình ảnh hàng chục người dân không đeo khẩu trang vẫn vô tư tụ tập uống trà đá phía đối diện chung cư Tân Hoàng Minh (36 Hoàng Cầu, Đống Đa). Điều đáng nói, đây chính là nơi ở của bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 148. Toàn bộ tòa nhà này hiện đã bị cách ly từ tối 25/3.
Ngay sau khi xảy ra việc người dân tụ tập đi lễ Phủ Tây Hồ vào ngày 24/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã lên tiếng cho rằng: “Nếu người dân không tự giác, nghiêm túc chấp hành các quy định, khuyến cáo thì mọi nỗ lực của Chính phủ, Hà Nội sẽ đổ xuống sông, xuống biển”.
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngày 26/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ).
Đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. “Như thế chúng ta bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.