Dòng chảy lịch sử hào hùng trào dâng qua sóng nhạc
Những di tích lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô Ký ức thời khắc lịch sử luôn hiện hữu, âm vang trong tâm trí Ký ức hào hùng mùa Thu lịch sử |
Chương trình nghệ thuật chính luận "Hà Nội - Bản hùng ca phố" |
Trong chương trình "Hà Nội - Bản hùng ca phố" các đại biểu và Nhân dân đã được quay lại thời khắc lịch sử của 70 năm về trước - 15h chiều 10/10/1954, hơn 20 vạn Nhân dân thủ đô cùng hướng về Cột cờ Thành Hà Nội, thực hiện lễ chào cờ đầu tiên của Thủ đô giải phóng |
Đây là một trong những chương trình trọng điểm được UBND thành phố (TP) Hà Nội kết hợp Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Chương trình được ê-kíp Ban Sản xuất các chương trình giải trí của VTV thực hiện công phu, trong thời gian dài.
Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu tham dự chương trình |
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội; các nhân chứng lịch sử và các tầng lớp Nhân dân.
Các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các đại biểu dự chương trình nghệ thuật chính luận "Hà Nội - Bản hùng ca phố" |
Chương trình mở đầu bằng ca khúc "Nhớ về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua giọng hát của ca sĩ Hồng Nhung. "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội" là tình cảm chung của tất cả những người sinh ra, lớn lên và đã từng gắn bó với nơi này.
Từ đó, chương trình được mở ra với rất nhiều cung bậc cảm xúc, thiết tha, bi tráng, lúc hào hùng, khi lại hùng tráng, lãng mạn... thông qua những loại hình nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại.
Tự hào lịch sử Thủ đô hùng tráng
Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến 36 phố phường. Trong nghìn năm lịch sử của Thủ đô, người người về đây dựng nên phố. Phố góp phần làm nên hồn cốt, làm nên “chất Hà Nội” trong mỗi con người từng sinh ra hay có thời gian gắn bó với mảnh đất Thủ đô.
Ca sĩ Hồng Nhung mở màn chương trình với ca khúc "Nhớ về Hà Nội" |
Có lẽ không có TP nào trên thế giới lại có nhiều bài hát ngợi ca như Hà Nội của chúng ta. "Hà Nội - Bản hùng ca phố" với âm nhạc và những câu chuyện gợi nhớ đến những ngày tháng lịch sử anh dũng mà hào hoa của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hoà bình, sáng tạo và phát huy nét văn hóa của Hà Nội phố, để Hà Nội xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, Thủ đô của đất nước Việt Nam đang vươn mình bước vào kỉ nguyên mới.
Chương trình diễn ra tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - địa điểm linh thiêng gắn liền với lịch sử hình thành kinh thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Cũng ngay tại quảng trường sân Đoan Môn, 15h chiều 10/10/1954 đã diễn ra lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng. Qua 7 thập kỉ, ký ức và cảm xúc của những ngày tháng 10 hào hùng ấy vẫn còn vang vọng mãi.
Chương trình hoành tráng và đậm dấu ấn nghệ thuật của âm thanh, ánh sáng |
Để đi được đến mùa thu lịch sử năm 1954 là chặng đường dài của cả dân tộc, trong đó Hà Nội là nơi bắt đầu cho bản hùng ca kháng chiến chống Pháp.
Với 3 chương gồm: "Trận địa trong thành phố"; "9 năm rừng lòng vẫn Thủ đô"; "Bài ca Hà Nội", chương trình "Hà Nội - Bản hùng ca phố" kể những câu chuyện lịch sử về Hà Nội, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của 70 năm trước và xa hơn là của gần 80 năm trước khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến.
Những phóng sự chân thực trích dẫn trong chương trình được thực hiện chỉn chu, mang đến những góc nhìn thực tế, khách quan về cuộc kháng chiến hào hùng, anh dũng của cả dân tộc. Nhiều phân đoạn khiến người xem không khỏi xúc động, đau xót cho một thời kỳ bom đạn.
Hoàng thành Thăng Long rợp bóng cờ đỏ sao vàng |
Khán giả được đi qua âm mưu của Pháp và tình hình căng thẳng năm 1946, đi qua tiếng súng đầu tiên với Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh; mục tiêu - nhiệm vụ của 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô với những nhân chứng kể lại đầy xúc động về những ngày cuối cùng bám trụ Hà Nội. Sau đó, chúng ta rút khỏi Thủ đô, làm nên cuộc kháng chiến trường kì 9 năm và ngày về rạng rỡ.
Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, để chuẩn bị tư tưởng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào 1 giai đoạn chiến đấu mới quyết liệt hơn, gian khổ hơn. Năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số TP, xí nghiệp có thể bị tàn phá song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ!
Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Lời hiệu triệu thiêng liêng ấy đã thôi thúc hàng triệu trái tim đồng bào, chiến sĩ đồng lòng hăng hái chống Mỹ cứu nước.
Hà Nội kiên cường và anh dũng |
Trước sức mạnh khủng khiếp của "siêu pháo đài bay" B52, Nhân dân miền Bắc, người Hà Nội không sợ hãi. Tản cư cũng là một cách tham gia kháng chiến nhưng nhiều gia đình, nhiều người Hà Nội khi ấy đã không tản cư tránh bom mà ở lại với Thủ đô, bám trụ từng cửa ngõ, nhà máy, góc phố, vừa sản xuất vừa kiên cường chiến đấu.
Hình ảnh Hà Nội đổ nát sau trận bom, những hình ảnh tang thương ở Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên và nhiều nơi khác khiến khán giả lặng đi vì xúc động.
Trong khói lửa chiến tranh, Hà Nội vẫn đẹp đầy bi tráng; vẫn tiếng dương cầm vang lên trong căn nhà đổ, vẫn tiếng chuông ngân, mùi hoàng lan thơm ngát phố phường.
Những năm kháng chiến chống Mỹ ấy, quân và dân Hà Nội lại ngời sáng biểu tượng "Lưng đao gươm tay mềm mại bút hoa", luôn vững tay súng, tay cuốc tay cày, tay bút tay đàn quyết bám trụ kiên trung, góp phần hiện thực hóa dự đoán tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Tin chiến thắng từ miền Nam liên tục dội về. Đất nước thống nhất, đồng bào cả nước cùng nối vòng tay lớn, Hà Nội rộn ràng với sự sống hồi sinh trên từng con phố nhỏ. Từ khúc khải hoàn ca lịch sử tháng 10 năm 1954, 18 năm sau là chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Đó đều là những dấu mốc mang tầm vóc thời đại, khẳng định vai trò thiêng liêng của Thủ đô Hà Nội - nơi tiên phong gánh vác, góp phần hoàn thành vẻ vang những sứ mệnh lịch sử của dân tộc.
Trong gian khó người Hà Nội càng thể hiện bản lĩnh và ý chí vươn lên |
Những sứ mệnh ấy tiếp tục được lớp lớp thế hệ người con Hà Nội gìn giữ và dựng xây qua từng giai đoạn lịch sử. 70 năm qua, Hà Nội ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt và rực rỡ. Các công trình, thành tựu đáng tự hào trên mọi mặt lĩnh vực đời sống song song với dòng chảy bền vững của hồn cốt văn hiến ngàn năm xuyên suốt từng con phố.
Sự tiếp biến giữa các giá trị văn hóa linh thiêng từ quá khứ với những giá trị anh hùng của thời hiện đại, những phẩm chất hội nhập quốc tế sâu rộng đã làm nên những nét riêng có của Thủ đô ngàn năm văn hiến - Thành phố vì hòa bình, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành TP "xanh - thông minh - hiện đại", phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh khu vực và quốc tế, hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô.
"Lòng ta chung một cụ Hồ. Lòng ta chung một Thủ đô. Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam" - 70 năm là quãng thời gian không dài nhưng là khoảng thời gian đặc biệt có giá trị của thời đại mới.
Sau 70 năm, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một vị thế phát triển chưa bao giờ có, từ TP vì hòa bình đến đô thị sáng tạo, là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực
70 năm Giải phóng Thủ đô là mốc son ý nghĩa để cùng nhau, tất cả chúng ta nhìn lại lịch sử và tri ân lớp lớp thế hệ cha ông đã hi sinh và cống hiến cho Thủ đô, từ đó tạo thành động lực mạnh mẽ cùng nhau góp sức, quyết tâm đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ và bền vững, gìn giữ sức sống và phẩm giá mãnh liệt của Thủ đô rồng bay.
Thiết tha những khúc ca Hà Nội
Điểm nhấn của chương trình phải kể đến công nghệ trình chiếu mới lạ, đầy sáng tạo mang tên 3D Mapping kết hợp Hologram mà ê-kíp ấp ủ. Lấy phông nền chính là hình ảnh Hoàng thành Thăng Long, các dấu mốc lịch sử quan trọng đã được tái hiện siêu thực từ thính giác đến thị giác, tạo những hiệu ứng hình ảnh đặc biệt, bối cảnh đa dạng từ phố phường Hà Nội những năm tháng chiến đấu ác liệt, đến chiến khu rừng núi bạt ngàn, hay hình ảnh Thủ đô cờ hoa rực rỡ ngày ca khúc khải hoàn.
"Ngày về chiến thắng" được tái hiện hùng tráng và mãn nhãn trong hiệu ứng âm thanh, ánh sáng đỉnh cao |
Không chỉ mang đến những thước phim tài liệu quý giá, chương trình còn gây ấn tượng với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, đa dạng. Có thể nói, âm nhạc là mạch chính nối cảm xúc và xuyên suốt trong chương trình, tạo cảm giác cho khán giả như đang xem một bộ phim về lịch sử hào hùng, lắng đọng nhưng không kém phần lãng mạn.
Các phần dàn dựng được kết hợp giữa tính liền mạch của âm nhạc, bày trí sân khấu và sự trình diễn của đông đảo nghệ sĩ để tạo nên một "bản hùng ca phố" có chiều sâu cảm xúc, bề dày lịch sử của Thủ đô.
Tiết mục Xẩm của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa vừa đậm nét nghệ thuật truyền thống của Hà Nội vừa khắc họa những nét đau thương nhưng vô cùng anh dũng của người Hà thành trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà thành |
Giữa khung cảnh ấy, "Người Hà Nội" vẫn hiên ngang, vẫn yêu từng địa danh, từng nơi chốn thân thương. "Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu! Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi". Giọng hát của các nghệ sĩ hàng đầu Lê Anh Dũng, Phạm Thu Hà, Tố Loan, Trường Linh mang đến những phút giây khi thì lắng đọng, thiết tha, lúc thì cuộn sôi, trào dâng quyết tâm, khi thì nhớ nhung khôn xiết và cuối cùng là "Ngày về chiến thắng" đầy tự hào.
Tác phẩm "Người Hà Nội" qua phần thể hiện đầy cảm xúc |
Những người lính, dù rất yêu Hà Nội nhưng khi buộc phải ra đi thì vẫn rất dứt khoát "Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". họ ra đi với niềm tin chiến thắng, với tâm thế của người sẽ trở về.
Sau 80 năm làm nô lệ, chúng ta hiểu được giá trị của tự do, ý thức và trách nhiệm với nền độc lập dân tộc đã thôi thúc họ hi sinh cảm xúc riêng vì những điều lớn lao hơn. Rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng lâu dài, rút khỏi Hà Nội cũng là để chuẩn bị cho ngày về.
Chính vì thế, ca khúc "Sẽ về Hà Nội" với giọng ca Đông Hùng vang lên gói gọn cả tâm tình người ở chiến khu khi đó.
Nghệ sĩ Phạm Thu Hà với "Áo mùa đông" |
Trong khi đó, bản mashup "Áo mùa đông - Hướng về Hà Nội" do Phạm Thu Hà - NSND Tấn Minh trình bày như da diết hơn, nhớ nhung hơn của người hậu phương gửi tới tiền tuyến, của tiền tuyến hướng về hậu phương hòa quyện với nhau gợi biết bao cảm xúc trong lòng khán giả.
Sự kiện Tiếp quản Hà Nội 10/10/1954 là kết quả 80 gày chuẩn bị công phu của Chính quyền và người dân TP sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Đó là đích đến sau 9 năm kháng chiến trường kỳ với bao máu xương và chiến công của dân tộc, tiêu biểu là Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Ngày tiếp quản 10/10 là ngày đánh dấu mốc son Hà nội chính thức là Thủ đô giải phóng của đất nước vừa được thế giới công nhận chủ quyền độc lập. Câu chuyện ngày 10/10 - ngày vinh quang của dân tộc giành được tự do được kể lại bằng hình ảnh tư liệu và phỏng vấn nhân chứng, bằng âm nhạc và những thước phim đã mang lại cảm hứng lịch sử niềm tự hào sâu sắc cho khán giả.
Tại lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ - cũng chính là chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội năm 1946, Đại đoàn trưởng dẫn đầu Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô - đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.
Ngày nay, do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào... Chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh...
Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!
Nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ muôn năm!".
Đặc biệt, giọng ca của Tùng Dương với ca khúc "Tiến quân ca" hùng tráng khiến cả sân khấu cũng như khán giả theo dõi qua sóng trực tiếp trào dâng niềm tự hào, xúc động.
Ca khúc "Tiến về Hà Nội" qua giọng hát của Tạ Quang Thắng cùng những bước chân "trùng trùng quân đi như sóng" được tái hiện trên sân khấu khiến khán giả vỡ òa niềm hạnh phúc.
"Không thể nói trời không trong hơn / Và mắt em xanh khác ngày thường / Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy / Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường", ca khúc "Cảm xúc tháng mười" do NSƯT Đăng Dương - NS Trọng Tấn như một đoạn chuyển về những ngày hòa bình, dựng xây Thủ đô của Nhân dân ta. Dù vậy, một lần nữa, Hà Nội lại trải qua những "đất rung, ngói tan, gạch nát”.
Ngay sau ngày giải phóng, Hà Nội bắt tay vào cùng miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội nhưng đồng thời cũng có sự chuẩn bị cho 1 cuộc chiến đấu mới.
Trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt, hàng chục vạn người con Thủ đô xung phong lên đường chiến đấu, phố lại tiễn người đi vào những chiến trường ác liệt nhất. Hà Nội viết tiếp bản hùng ca những ngày cùng cả dân tộc đứng lên chống Mỹ.
Trong chương 3 "Bài ca Hà Nội" là những ca khúc "Em bé Hà Nội", "Em ơi Hà Nội phố", "Hà Nội niềm tin và hi vọng" phác họa 12 ngày đêm khói lửa, anh dũng làm nên trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" lẫy lừng, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và khẳng định Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.
Nhóm Oplus với "Hà Nội những công trình" |
Kể từ đó, "Hà Nội những công trình", "Nồng nàn Hà Nội", Liên khúc những bài ca Hà Nội đưa khán giả qua những năm tháng hòa bình, dựng xây và phát triển vươn lên những tầm cao mới của Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo như ngày nay.
"Bản hùng ca phố" mang đến cho khán giả một chương trình đậm chất âm nhạc và nghệ thuật, gợi nhớ đến những ngày tháng lịch sử hào hùng đầy tự hào của Thủ đô.
Các lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm với nghệ sĩ và khách mời tại chương trình |
Cách bài trí độc đáo, sáng tạo của sân khấu chương trình thể hiện cho sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hòa bình, sáng tạo và phát huy nét văn hoá của Hà Nội phố.
Chương trình cũng có phần giao lưu với bà An Ninh. Ngày 10/10/1954, cô bé An Ninh mới gần 7 tuổi, được người lớn dạy vừa làm những bông hoa vừa hát "Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay". Không khí tưng bừng, vui tươi khi đó được cô kể lại đưa khán giả theo những bước chân vui náo nức của những em bé hòa vào dòng người đi đón đoàn quân chiến thắng trở về. |
Khán giả trào dâng niềm yêu nước và tự hào về Hà Nội anh hùng, hào hoa khi đến với chương trình |
Màu áo xanh thể hiện sức trẻ - thế hệ nối tiếp của Thủ đô ngàn năm văn hiến |
Đoàn quân tiến về trong tiếng reo hò mừng vui náo nức |