eMag azine
19/11/2024 07:00
Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường

19/11/2024 07:00

TTTĐ - Khoảng 5 vạn đồng bào dân tộc Mường đang sinh sống tại 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, sinh sống cố kết thành cộng đồng lâu đời tại địa bàn các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức. Trong đời sống văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường tại Thủ đô, tiếng cồng chiêng luôn tồn tại như âm nhạc vọng về từ sâu thẳm cội nguồn. Bất chấp những biến thiên về điều kiện khách quan, tiếng chiêng vẫn bền bỉ ngân nga trong tâm thức người Mường.

Mường

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường

Khoảng 5 vạn đồng bào dân tộc Mường đang sinh sống tại 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, sinh sống cố kết thành cộng đồng lâu đời tại địa bàn các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức. Trong đời sống văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường tại Thủ đô, tiếng cồng chiêng luôn tồn tại như âm nhạc vọng về từ sâu thẳm cội nguồn. Bất chấp những biến thiên về điều kiện khách quan, tiếng chiêng vẫn bền bỉ ngân vang trong tâm thức người Mường.

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường

Trên cao nguyên Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội), nơi những đồng cỏ xanh bát ngát chạy tít tắp gặp sườn núi tím thẫm phía cuối trời, cộng đồng người Mường đã xây dựng những bản làng từ rất xa xưa.

Theo GS. Trần Quốc Vượng, xa xưa, người Mường gốc xứ Đoài sống quanh chân núi Ba Vì. Thậm chí, GS. Vượng cho rằng, xứ Đoài xưa là nơi hợp dung văn hóa giữa người Mường cổ cư trú ở vùng núi ngay cạnh người Việt cổ sống ở đồng bằng nên đã sinh ra tiếng Việt cổ - gốc gác của tiếng Việt ngày nay.

Người Mường từ thời “đẻ đất, đẻ nước” đã dày công vun đắp những giá trị văn hóa độc nhất vô nhị, trong đó, không thể không kể tới cồng chiêng.

Yếm hồng, áo cánh trắng, thân áo ngắn, đầu đội khăn trắng, váy dài đến mắt cá chân, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, đặc biệt diện bộ đồ truyền thống của dân tộc Mường khi tiếp chuyện chúng tôi. Trong sâu thẳm ánh mắt của chị không che giấu niềm tự hào đối với văn hóa của dân tộc mình.

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường

Chị say mê nói về cồng chiêng của người Mường như thể đang kể chuyện về người thương: Nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mường gắn liền với tiếng cồng, tiếng chiêng Mường. Cách chơi cồng chiêng của người dân tộc Mường cũng có nhiều điểm khác biệt so với chơi cồng Tây Nguyên. Trong đêm Giao thừa, những người có uy tín trong bản vận trang phục truyền thống mang theo cồng chiêng đi chúc Tết các gia đình. Người Mường gọi nghi lễ này là “phường bùa”.

Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của đồng bào Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn.

Trong trí nhớ của chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, xưa kia hầu như gia đình Mường nào cũng có cồng chiêng trong nhà. Ít thì một chiếc, nhiều thì một bộ từ 12 - 17 chiếc nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

Nói về giá trị truyền thống của chiêng Mường, ông Dương Cao Thanh, Bí thư Huyện ủy Ba Vì, chia sẻ: Ba Vì là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời, độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống. Trong kho tàng văn hóa của huyện Ba Vì không thể không nhắc tới một nhạc cụ đã gắn bó lâu đời với người dân tộc Mường và dân tộc Dao nơi đây, đó là văn hóa cồng chiêng. Đây là loại nhạc cụ đặc trưng trong trong đời sống văn hóa tinh thấn của đồng bào dân tộc thiểu số định cư tại 7 xã miền núi của huyện Ba Vì (Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài). Văn hóa của người Mường, người Dao Ba Vì cùng với văn hóa của các dân tộc khác đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của huyện Ba Vì.

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường
Trong kho tàng văn hóa của huyện Ba Vì không thể không nhắc tới một nhạc cụ đã gắn bó lâu đời với người dân tộc Mường và dân tộc Dao nơi đây, đó là văn hóa cồng chiêng

Trong suốt chiều dài lịch sử của huyện Ba Vì, văn hóa cồng chiêng luôn gắn với truyền thống đấu tranh chế ngự, làm chủ thiên nhiên, giữ gìn non sông gấm vóc và chống giặc ngoại xâm, thể hiện truyền thống quật cường, bất khuất và tình yêu quê hương nồng nàn, tha thiết của con người vùng đất Ba Vì. Đó cũng là truyền thống hiếu văn, thượng võ của mỗi người dân quê hương núi Tản, sông Đà. Thực tiễn quý báu trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong lao động, sản xuất xây dựng quê hương cũng đã được khắc họa trong các làn điệu cồng chiêng.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc thành phố Hà Nội, ngoài huyện Ba Vì, người Mường còn tập trung ở Thạch Thất, Quốc Oai và một bộ phận tại huyện Mỹ Đức. Những năm qua, trong dòng chảy văn hóa của Thủ đô, người Mường vẫn luôn cố gắng gìn giữ nét độc đáo, bản sắc riêng biệt của dân tộc.

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường

Theo tộc phả của người Mường, trước đây gia đình nào của các dân tộc Mường cũng có cồng chiêng, ít thì một cái, nhiều thì một bộ cồng chiêng từ 12-14 chiếc, những gia đình giàu có, cồng chiêng coi như một thứ gia bảo. Trong dàn cồng chiêng thường có 5-7 chiếc hoặc 9 chiếc, nhưng đầy đủ một bộ từ 12-14 chiếc (Số lượng 12 chiếc biểu tượng cho 12 tháng trong năm).

Cấu tạo của chiếc cồng của người dân tộc Mường huyện Ba Vì có chiều cao từ 5-7cm, miệng cồng khoảng 20cm; ở giữa có núm có đường kính từ 7-8cm. Đối với cồng Chót và cồng Tam còn gọi là chiêng boòng beng có hai chiếc treo ở 2 đầu một đoạn gỗ dài khoảng 35-40cm, loại cồng này do một người đánh; cồng Đối (bộ tụng 5 gồm hai chiếc), đường kính 30cm; cồng Đối (bộ tụng 7 gồm 2 chiếc), đường kính 40cm; cồng Khầm (từ 5-7chiếc, đường kính chiếc bé nhất là 50cm, trung bình là 80cm, to nhất 1,2m).

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường
Chiếc cồng của người dân tộc Mường

Mỗi chiếc cồng có đường kính khác nhau, núm dày, mỏng để tạo nên âm thanh trầm bổng. Mỗi chiếc đều có vai trò nhất định trong bản nhạc chung, như chiếc cồng chót giữ chịch, điều khiển chung cả dàn cồng. Những chiếc cồng âm cao gọi là chiêng chót, cồng âm trung gọi là chiêng boòng beng và cồng âm trầm gọi là chiêng đàm. Cồng khệ (hay còn gọi là cồng khù, cồng khầm) dùng đánh trùng âm (cồng đối).

Nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình, người đã gắn bó cả đời với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường, phân tích: Cách chơi cồng của người dân tộc Mường Ba Vì khác với chơi cồng chiêng của người Tây Nguyên, cồng của dân tộc Mường được chế tạo có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng, còn cồng ở Tây Nguyên, người ta treo bộ chiêng trên giá chiêng. Cồng chiêng của người Mường thì có núm ở giữa, cồng chiêng của người Tây Nguyên không có núm. Dùi chiêng của dân tộc Mường thường làm bằng gỗ tốt, có tiện một đầu to, dài 35-40cm, đầu bịt da động vật (như da con hoẵng), khi đánh vào chiêng lớp da bóng ánh lên trông rất đẹp. Ngày nay người ta bịt ở đầu dùi bằng vải đỏ.

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường

“Trong lịch sử lâu dài của dân tộc Mường, cồng chiêng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường trong những dịp lễ hội, ngày Tết, hiếu, hỉ... Bởi vậy, lối chơi cồng chiêng của dân tộc Mường cũng đa dạng, nhiều bài, nhiều giọng, nhiều điệu. Tùy nhịp phách lúc nhanh, lúc chậm, lúc khoan thai nhịp nhàng hoặc rộn ràng. Đánh cồng cho hay, tiếng cồng có hồn là một nghệ thuật. Khi đánh, mỗi chiếc cồng phát ra một âm thanh khác nhau, từ âm cao nhất đến âm thanh trầm nhất. Chơi cồng hay phải là những nghệ nhân am hiểu thể hiện. Chẳng hạn, tiếng cồng đón giao thừa ngày Tết thì rộn ràng, ngân vang, nhịp điệu dồn dập, tiết tấu từ thấp đến cao”, Nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Lắng nghe âm thanh cồng chiêng, người ta có thể hiểu được đó là tiếng cồng chúc phúc mọi nhà bước sang năm mới (nhân khang vật thịnh, bản làng đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương tươi đẹp hơn năm cũ). Hoặc là tiếng cồng khai hội làng, bản thì tưng bừng, thúc giục mọi người mau chân tới sân của bản tham gia vui hội. già, trẻ, gái, trai nghe tiếng cồng mà cảm nhận thông tin ở đó. Tiếng cồng còn thay thế cho lời tỏ tình của các chàng trai, cô gái trong những đêm trăng sáng ở sân nhà văn hóa bản. Tiếng cồng trong ngày cưới theo nhịp náo nức, tươi vui đánh đối đáp nhau khi hành tiến đưa cô dâu về nhà chồng. Tiếng cồng trong ngày cưới còn mang ý nghĩa cầu mong hạnh phúc cho đôi bạn trẻ.

Trong ngày hội, không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tiếng chiêng ngân lên ngày đầu năm mới để khởi đầu một năm ấm no, trâu bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, yên vui. Tiếng chiêng ngày hội như chào mời, thúc giục du khách xa gần; tiếng hát thiết tha: “Tiếng cồng bản Mường, âm vang rừng núi/ Mãi còn đây nền văn hoá quê mình/Tiếng cồng bản Mường, trao nhau lời thương/Ta tìm nhau trong đêm hội cồng chiêng/Hội đông mắt cũng no nhìn bạn ơi/Lại xem cô gái quê mình đánh chiêng/Lưng xanh váy lĩnh áo choàng/Trái đào dây bạc vòng trằm roong reng/Roong reng là roong reng”...

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường
Nghệ nhân Bùi Thanh Bình giới thiệu về cồng chiêng của người dân tộc Mường tới du khách

Đắm chìm trong tiếng vang của chiêng, nghệ nhân Bùi Thanh Bình cảm thán: Nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của người Mường chú trọng các cách luyến láy. Từ đó, càng thể hiện âm sắc độc đáo mang tính biểu cảm cao, sự chuẩn xác của các nghệ nhân, giúp người nghe cảm nhận được nội dung từng điệu cồng. Đặc trưng của cồng người dân tộc Mường là sự hài hòa trong từng cá nhân, kết hợp nhuần nhuyễn lối chơi tập thể. Cách diễn tấu cồng chiêng của người dân tộc Mường mang tính biểu cảm sâu đậm nhằm diễn tả tình cảm nội tâm sâu lắng qua âm thanh của tiếng cồng, đậm chất trữ tình thiết tha.

Cũng vì thế, tiếng chiêng Mường đã ngân nga qua hàng ngàn thế hệ. Trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Mường, cồng chiêng trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa sâu xa nguồn cội, tổ tiên để tiếp thêm sức mạnh cho những người con xứ Mường.

Bài viết: Trung Đức - Vũ Cường

Loại bài viết “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Mường ở Hà Nội”:

Bài 2: Lao xao tiếng chiêng Mường

Bài 3: Ngân nga điệu chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá

Trung Đức Vũ Cường