Đồng bộ nhiều giải pháp, sông Tô Lịch sẽ sớm hồi sinh
Công nhân nạo vét sông Tô Lịch
Từ năm 1980 trở lại đây, khi sông Hồng không còn chảy trực tiếp vào sông Tô Lịch, lòng sông bị thu hẹp, hàng loạt nhà máy, nhà dân mọc lên do quá trình đô thị hóa đã xả trực tiếp nước thải xuống sông đã khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, với khoảng 300 ống xả trực tiếp, mỗi ngày, sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải, trong đó, phần lớn là nước thải chưa qua xử lý.
Các công nhân nạo vét sông Tô Lịch để giảm bớt ô nhiễm |
Vào mùa mưa, lượng nước trên khi chảy ra sông Tô Lịch sẽ nhanh chóng thoát xuống hạ lưu. Tuy nhiên, vào mùa khô khi mực nước xuống thấp, việc thoát nước thải gặp không ít khó khăn, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Để hồi sinh con sông đã ô nhiễm nghiêm trọng suốt hàng chục năm, theo các chuyên gia về môi trường, Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, số tiền để thực hiện các dự án nhằm hồi sinh sông Tô Lịch cũng rất lớn.
Việc xử lý ô nhiễm nhằm hồi sinh con sông được chính quyền Hà Nội rất quan tâm. Tại buổi làm việc giữa Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn và Hà Nội ngày 16/2/2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải cho rằng, Hà Nội cần tập trung cải tạo, làm sống lại 4 dòng sông phía Tây thành phố là sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch.
Cảnh quan bên bờ sông Tô Lịch cũng được cải tạo đẹp đẽ làm nơi đi dạo, thể dục của người dân |
Một trong những giải pháp nhằm xử lý nguồn nước sông Tô Lịch bị ô nhiễm, vào tháng 10/2016, UBND Hà Nội đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) với tổng vốn đầu tư gần 16.300 tỷ đồng.
Dự án bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đầu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần tả ngạn sông Nhuệ với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,621km, đường kính từ 400mm - 2.400mm. Hệ thống cống này sẽ thu gom nước thải trên phạm vi khu vực bao gồm quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì.
Đây là lần đầu tiên thành phố Hà Nội khởi công xây dựng một hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất 270.000 m3/ngày đêm, áp dụng công nghệ thi công hiện đại - với công nghệ xử lý nước thải bùn hoạt tính truyền thống cải tiến - loại AO.
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá - một công trình trọng điểm, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cải tạo môi trường, làm sống lại các con sông Tô Lịch, Lừ, Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô.
Trước khi dự án nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, trong suốt nhiều ngày nắng nóng vừa qua, hàng chục công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã ngâm mình trong dòng nước ô nhiễm để tiến hành nạo vét lòng sông Tô Lịch nhằm giảm bớt sự ô nhiễm.
Cùng với đó, hàng loạt các giải pháp từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Việt Nam với các công nghệ khác nhau cũng đang thí điểm để làm sạch nước sông Tô Lịch. Chính quyền Hà Nội đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để các dự án thí điểm này đạt kết quả tốt.
Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cũng vừa trình UBND thành phố đề xuất giải cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng. Hiện lãnh đạo thành phố đang giao cho các Sở ngành liên quan xem xét theo quy định.
Cụ thể, theo phương án đề xuất, đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định được đặt ở sát mép sông tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng, gồm 4 máy bơm chìm công suất 2.500 m3/h, trong đó 3 máy bơm làm việc thường xuyên.
Tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua đê vào mương tiêu cạnh Công viên nước hồ Tây. Công ty Thoát nước đã xả nước thử nghiệm vào các ngày 12 và 13/9 trong thời gian khoảng 16 giờ. Mực nước hồ Tây giảm 11 cm và nước sông Tô Lịch đã được cải thiện, có màu xanh của nước hồ và không còn mùi hôi.
Theo Công ty Thoát nước, phương án đề xuất sẽ nằm trong giải pháp tổng thể bao gồm: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ); đầu tư hệ thống cống hai bên sông để thu gom nước thải, giúp sông Tô Lịch không còn nguồn ô nhiễm.
Cùng với các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm hồi sinh sông Tô Lịch, thời gian, Hà Nội đã tiến hành cải tạo lại cảnh quan ven sông Tô Lịch. Sau một thời gian thực hiện, các tuyến đường ven sông từ Thịnh Liệt (Thanh Trì), Ngã tư Sở - Cầu Giấy đã được chỉnh trang một cách bài bản. Hàng loạt cây xanh và các loại hoa được trồng ven các tuyến đường khiến người dân ngỡ ngàng về sự thay đổi. Từ một nơi được coi là ô nhiễm, nhếch nhách, các tuyến đường này đã trở thành nơi tập thể dục, đạp xe, hóng mát của người dân.
Trong thời gian tới, với các giải pháp đồng bộ của TP Hà Nội, dòng sông Tô Lịch chắc chắn sẽ sớm được hồi sinh.