Đòn bẩy hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Một phần Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng |
Thu hút FDI đứng thứ 2 cả nước
Theo đánh giá của Ban quản lý KKT Hải Phòng, trong giai đoạn 2009 - 2023, Hải Phòng đã thu hút 26,4 tỷ USD vốn FDI. Qua đó, tạo việc làm cho 200 nghìn lao động.
Tính riêng giai đoạn 2021 - 2023, thành phố đã thu hút 11,36 tỷ USD vốn FDI, luôn nằm trong top 5 cả nước. Trong đó, năm 2021, thành phố đạt 5,298 tỷ USD (dẫn đầu cả nước về thu hút FDI), năm 2022 đạt 2,083 tỷ USD và năm 2023 đạt 3,5 tỷ USD với 62 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 175% kế hoạch giao, tăng 140% so với năm 2022, đứng thứ 2 cả nước và đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Điều đáng nói không chỉ đến từ vốn đăng ký cao nhất mà còn là tỷ lệ dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến - chế tạo, logistics đạt trên 93%.
Bên cạnh đó, suất đầu tư trung bình trong các KCN, KKT của Hải Phòng cũng rất ấn tượng, đạt 12 triệu USD/ha, bằng 2,6 lần bình quân cả nước (khoảng 4,61 triệu USD/ha) và đạt 56 triệu USD/dự án, bằng 2,8 lần bình quân cả nước (khoảng 20 triệu USD/dự án). Lũy kế đến nay, các KCN, KKT có 520 dự án FDI, với trên 26,5 tỷ USD. Đây là kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, rất ấn tượng và tự hào
Mục tiêu đến năm 2025, khu vực kinh tế FDI đóng góp 35% vào GRDP thành phố. Việc thu hút 3,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023 cho thấy nỗ lực đổi mới tư duy, cải cách toàn diện, hành động quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng cũng như sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (Heza).
Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải |
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết: “Để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài lợi thế về hệ thống giao thông, cảng biển, thành phố còn luôn xác định tạo mọi điều kiện tốt, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư.
Năm qua, Hải Phòng tập trung xúc tiến tại những thị trường trọng điểm, có tìm hiểu, chọn lựa trước. Việc này góp phần giúp thành phố đạt kỷ lục về thu hút vốn FDI.
Hiện tại, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được Heza tập trung triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Giờ đây, ngồi ngay tại Ban Quản lý, chúng tôi có thể biết được hoạt động khá chi tiết của các nhà máy về xây dựng, nhân sự… bởi phần mềm quản lý hoạt động liên thông tới từng doanh nghiệp trong KCN, KKT.
Rất nhiều năm, Hải Phòng mới thành lập đoàn xúc tiến đầu tư do Bí thư Thành ủy dẫn đầu tới các thị trường lớn kêu gọi đầu tư. Những cam kết từ người đứng đầu thành phố là sự khẳng định mạnh mẽ, có độ tin cậy rất cao với các nhà đầu tư…”.
Hải Phòng luôn chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Hải Phòng là điểm đến đầu tư như: Tập đoàn LG (Hàn Quốc) có 6 dự án với tổng vốn đầu tư trên 7,24 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) có tổng vốn đầu tư 1,22 tỷ USD; Tập đoàn Regina Miracle - Hồng Kông (Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Tập đoàn Pegatron - Đài Loan (Trung Quốc) có vốn đầu tư 800 triệu USD.
Cảng Hải Phòng hôm nay |
Kết quả đó khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn của Hải Phòng, cùng nhiều cách làm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Các yếu tố này tác động tích cực đến quyết định đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án hiện hữu tại thành phố của nhà đầu tư nước ngoài.
Kinh nghiệm cho thấy, khi đón được “đại bàng”, thành phố sẽ có đà tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp phụ trợ, dịch vụ đến đầu tư tại KCN dự án lõi hoặc KCN lân cận”. Để Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2030 thì việc mở ra KKT Nam Hải Phòng là tiếp tục “xây tổ” mới để đón thêm nhiều “gia đình đại bàng” về với Hải Phòng.
KKT Nam Hải Phòng - một “Thâm Quyến” tương lai
Ban quản lý KKT Hải Phòng đã hoàn thành xây dựng đề án thành lập KKT ven biển phía Nam thành phố và được Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thông qua. Đề án KKT sinh thái thế hệ 3.0 có quy mô 20.000ha, trải dọc địa phận 4 quận, huyện phía Nam của Hải Phòng. Định hướng đây sẽ là khu thương mại tự do, ưu tiên các dự án khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế...
Việc thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng là một trong những nội dung của phương án phát triển KKT, KCN của Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 1/12/2023.
Vị trí KKT Nam Hải Phòng có tiềm năng, lợi thế đặc biệt quan trọng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội. Tính kết nối của KKT Nam Hải Phòng với khu vực lân cận chủ yếu qua tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 37 và các tuyến đường tỉnh. Trong tương lai, khu vực này có kết nối chặt chẽ với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và phía Nam Trung Quốc qua mạng lưới giao thông gồm: Đường ven biển, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, các tuyến đường sắt quốc gia, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay quốc tế tại Tiên Lãng.
Việc thành lập KKT Nam Hải Phòng sẽ mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn, đóng góp vào sự phát triển của thành phố cũng như đất nước. Giá trị sản xuất công nghiệp trong KKT, KCN chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố.
Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí ngày 4/6 vừa qua, bà Đào Khánh Hà - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng xác định thu hút đầu tư, trong đó thu hút FDI gắn với phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố cũng thể hiện rõ, cần huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào Hải Phòng; trong đó, chú trọng các nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài, coi đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố, tạo nguồn đóng góp cho ngân sách. Hơn nửa nhiệm kỳ qua, Hải Phòng đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này, minh chứng rõ nét qua các hoạt động xúc tiến đầu tư và kết quả đầu tư trên địa bàn thành phố…”.
Mô hình sân bay Tiên Lãng hình 5 cánh hoa Phượng Đỏ |
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng đánh giá: “KKT Nam Hải Phòng sau khi thành lập sẽ là đầu mối giao thông quốc gia và quốc tế về đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không. Nơi đây sẽ trở thành đầu tàu, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế về chuyển đổi tăng trưởng của đất nước.
KKT Nam Hải Phòng được quy hoạch thành khu kinh tế hàng đầu, tích hợp không gian sống và làm việc với đầy đủ dịch vụ an toàn và tiện nghi, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. KKT này là vòng tuần hoàn xanh, kết nối 4 chiến lược then chốt được kiến tạo ưu thế cạnh tranh cho KKT Nam Hải Phòng.
Chiến lược đầu tiên là xây dựng khu sinh thái làm nền tảng cho phát triển bền vững; chiến lược thứ 2 là trung tâm kết nối đa phương thức, tận dụng ưu thế địa hình, chính trị làm đòn bẩy phát triển; chiến lược thứ 3 dựa vào mạng lưới công nghiệp thông minh xây dựng giá trị cốt lõi về giá trị kinh tế vùng; thứ 4 là xây dựng đô thị hấp dẫn cho người dân, đồng thời tôn vinh văn hóa địa phương và giữ gìn cộng đồng bản địa. Bốn chiến lược then chốt này sẽ xây dựng KKT Nam Hải Phòng thực sự trở thành cửa ngõ của Việt Nam ra thế giới.
Tại KKT Nam Hải Phòng, ưu tiên thu hút các dự án FDI phát triển các nền công nghiệp chủ lực, công nghiệp cơ bản ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng lưới sản xuất và chuối giá trị toàn cầu…
Thâm Quyến của Trung Quốc trước đây cũng chỉ là một làng trài ven biển. Sau khi được hoạch định chiến lược thu hút đầu tư, xây dựng đồng bộ cơ sở hạng tầng, đã trở thành một trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả của Trung Quốc. Nếu được chọn lựa, hoạt định xây dựng cơ sở hạ tầng đúng tầm, KKT Nam Hải Phòng sẽ trở thành một “Thâm Quyến” tại Hải Phòng…”.