Đối tượng nhét giẻ vào miệng bé trai 12 tháng tuổi ở Thái Bình sẽ bị xử lý thế nào?
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 29/6, cơ quan chức năng TP Thái Bình đang điều tra, xử lý vụ việc bé trai 12 tháng tuổi bị cô gái được cho là em ruột của chủ cơ sở mầm non tư thục Sao Việt bạo hành bằng cách kẹp chân tay, nhét giẻ vào miệng, khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ.
Bé trai 12 tháng tuổi ở Thái Bình bị người phụ nữ ở lớp mầm non nhét giẻ vào miệng, giữ chặt tay chân (Ảnh cắt từ clip) |
Trao đổi với PV về sự việc, chị K.N xác nhận, bé trai H.N.N (12 tháng tuổi) trong clip chính là con trai của mình. Theo lời chị N, do bận công việc nên sau khi sinh con thứ 2 là bé N được 8 tháng tuổi, vợ chồng chị quyết định gửi bé N vào trường mầm non tư thục Sao Việt (phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).
Trong những ngày đầu đến trường, bé N ngoan, theo các cô tại lớp nhưng sau đó thì không còn theo cô nào nữa. "Ngày mới đi gửi trẻ, cháu về nhà còn theo ông bà, các cô, bác nhưng càng về sau lại không theo ai, đêm ngủ hay giật mình quấy khóc", chị N kể.
Thấy con có những biểu hiện lạ vợ chồng chị N cũng đến lớp hỏi thì cô giáo nói, N ở lớp vẫn bình thường nên 2 vợ chồng yên tâm làm việc. Đến ngày 27/6, vợ chồng chị được xem clip con trai bị nhét giẻ vào miệng do chính một cô giáo khác trong cơ sở mầm non Sao Việt quay lại. Điều này khiến chị và gia đình vô cùng bức xúc nên đã cho con nghỉ học và làm đơn trình báo công an.
Sau khi đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, chủ cơ sở mầm non tư thục Sao Việt và cô gái nhét giẻ vào miệng bé có đến nhà chị N xin lỗi. Tại đây, người được cho là có hành vi trên giải thích, do bé N quấy khóc nên đã có hành động như vậy. Tuy nhiên, do không chấp nhận lời giải thích và xin lỗi nên gia đình chị N đã yêu cầu 2 người này về. Gia đình chị mong muốn cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc này.
Chiều 29/6, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND phường Tiền Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết, sáng cùng ngày, cán bộ của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình đã trực tiếp đến cơ sở mầm non tư thục Sao Việt để xác minh, làm rõ thông tin bé trai 12 tháng tuổi được gửi tại đây bị nhét giẻ vào miệng, gây phẫn nộ dư luận. Qua xác định, người có hành vi nhét giẻ vào miệng cháu bé là em gái ruột của chủ sơ sở mầm non tư thục.
"Người này là em gái ruột của chị L.T.H.G - chủ cơ sở mầm non tư thục Sao Việt, đang là sinh viên năm thứ 2. Người này không phải là giáo viên của cơ sở trên. Hiện những người có liên quan đang được cơ quan công an điều tra làm rõ", ông Nam thông tin.
Liên quan đến sự việc trên, chiều cùng ngày, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về việc phụ huynh tố cơ sở mầm non Sao Việt có dấu hiệu bạo hành trẻ nhỏ trong quá trình nhận và chăm sóc trẻ. Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT TP Thái Bình xác minh, báo cáo sự việc cụ thể. Cũng trong ngày hôm nay, UBND TP Thái Bình đã có công văn yêu cầu đình chỉ hoạt động cơ sở mầm non Sao Việt để phục vụ công tác xác minh, làm rõ vụ việc.
Lớp mầm non tư thục Sao Việt ở TP Thái Bình đã đóng cửa, khóa bên ngoài |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hành động rất tàn nhẫn, phản giáo dục của người phụ nữ trong clip có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi hành hạ người khác.
“Qua clip ngắn cho thấy người phụ nữ đã nhét giẻ vào mồm cháu bé còn rất nhỏ trong tình trạng hoảng loạn, sợ hãi. Hành vi như vậy là phản giáo dục, dù bất cứ lý do gì thì cha mẹ cũng như những người chăm sóc trẻ em không được phép thực hiện những hành vi bạo hành như vậy. Hành vi này là bạo lực, bạo hành, có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe và tâm lý của trẻ em.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ người phụ nữ đã có hành vi bạo hành đứa trẻ con quá nhỏ như vậy là ai, sự việc diễn ra vào hoàn cảnh nào? Trong trường hợp đây là sự việc diễn ra ở trường mầm non tư thục thì cần xem xét về giấy tờ pháp lý của cơ sở giáo dục này, đồng thời xem xét trình độ nghiệp vụ của người trong clip”, luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, hành vi của người phụ nữ thể hiện trong clip cho thấy đây là hành vi hành hạ người khác. Trong trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy sự việc này đã diễn ra nhiều lần, đối với nhiều người hoặc hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của cháu bé thì người phụ nữ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt có thể lên tới 3 năm tù. Nếu gây ra thương tích nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích, gây hậu quả chết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Như vậy, hành vi hành hạ người khác đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định là hành vi đối xử “tàn ác” với người lệ thuộc của mình. Việc lệ thuộc ở đây có thể lệ thuộc về giáo dục, tôn giáo hoặc công việc.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm xử lý vụ việc bạo hành bé trai 12 tháng tuổi ở Thái Bình |
Có thể nói rằng, cháu bé trên dưới một tuổi thì chưa có ý thức sợ hãi khi bị đe nẹt, không thể vì sợ mà cháu bé nghe lời. Bởi vậy hành vi đánh đập, hành hạ cháu bé sẽ không có tác dụng giáo dục, ngược lại còn là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền được bảo vệ của trẻ em về tính mạng, sức khỏe.
Về mặt pháp lý thì những sự việc như thế này có xử lý hình sự hay không sẽ dựa vào cơ sở người phụ nữ và nạn nhân có phải là mối quan hệ phụ thuộc hay không? Hành vi này được xác định là đối xử tàn ác. Tuy nhiên cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hậu quả của hành vi. Hành vi đối xử tàn ác với trẻ em đã ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của cháu bé như thế nào? Trên cơ sở đánh giá đầy đủ về tính chất mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra để xem xét xử lý hình sự hay xử phạt hành chính.
Trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự do cháu bé không bị tổn thương về tâm lý, sức khỏe thì vẫn cần phải xử lý kỷ luật đối với giáo viên này có thể sẽ ở mức độ cao nhất là buộc thôi việc; Đồng thời sẽ xử phạt hành chính về hành vi hành hạ người khác theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
“Hành vi bạo hành trẻ em thể hiện qua clip nêu trên là hành vi rất đáng trách, đáng lên án. Để xảy ra những vụ việc bạo hành với trẻ em như vậy là rất đau lòng, gây lo lắng hoang mang cho các phụ huynh và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em và cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối với người vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Phụ nữ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần lên tiếng, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh đối với vụ việc này. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, quán triệt ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn ở các cơ sở trông giữ trẻ, đặc biệt là các cơ sở tư thục.
Với những cơ sở giáo dục mầm non tư thục mà không đủ điều kiện đảm bảo an toàn, không đủ điều kiện về pháp lý, có dấu hiệu bạo hành trẻ em thì cần áp dụng các biện pháp cứng rắn; Trong đó, có thể đình chỉ hoạt động, tước giấy phép và xem xét trách nhiệm pháp lý đối với người đứng đầu tổ chức và những cá nhân có hành vi bạo hành trẻ em theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Điều 140. Tội hành hạ người khác1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên; c) Đối với 2 người trở lên. |