Điều chỉnh quy định chính sách để thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Số người hưởng BHXH một lần tăng cao
Khẳng định, BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia, tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương), năm 2020, số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững, phát triển của BHXH.
Theo đại biểu, điều này phản ánh một thực tế là đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Trong khi đó, BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, như “của đề dành”, đươc nhà nước bảo hộ.
Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết những trường hợp sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp.
Quang cảnh phiên thảo luận |
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi lựa chọn hưởng một lần thì các quyền lợi của người lao động bị hạn chế rất nhiều so với hưởng lương hưu như chi trả về BHYT, điều chỉnh lương hưu định kỳ, chế độ tử tuất. Ngoài ra, nhiều người hưởng chế độ BHXH một lần khiến độ bao phủ an sinh xã hội của Nhà nước bị giảm, đi ngược lại xu thế xã hội là đảm bảo an sinh cho mọi người dân.
Vì thế, đại biểu đề xuất nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28, trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH 1 lần...
Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn khiêm tốn so với tiềm năng
Quan tâm đến việc thu hút thêm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, theo báo cáo Chính phủ, tỷ lệ tham gia so với lực lượng trong độ tuổi năm 2020 tăng so với 2019, vượt chỉ tiêu đặt ra nhưng đó vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng.
Nguyên nhân dẫn theo đại biểu là do chế độ hưởng chưa đủ sức hấp dẫn, mới chỉ dừng lại ở chế độ hưu trí và tử tuất, nên kém thu hút so với các loại hình bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm thương mại; Ngoài ra, công tác tuyên truyền chưa đầy đủ và kịp thời...
Còn theo đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp), số người tham gia BHXH tự nguyện tuy có tăng so với 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao, chủ yếu người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn 700.000 đồng/tháng.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) |
Để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 28 Ban chấp hành T.Ư đề ra, theo đại biểu đoàn Đồng Tháp cần có những giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng tỷ lệ BHXH tự nguyện bởi dư địa từ khu vực này còn rất lớn. Thời gian tới, cần sớm xem xét, điều chỉnh về quy định chính sách, rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia, nhất là có những phương thức và cách tính theo giá trị dòng tiền, tạo sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều người tham gia BHXH tự nguyện.
Tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm còn cao
Theo đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La), cơ quan chức năng đã có các giải pháp như phân nhóm doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng bởi các trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành và được chậm đóng. Còn với các trường hợp cố tình chây ì, kéo dài thời gian chậm đóng, có hành vi trốn đóng, cần áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và sớm có kiến nghị giải pháp khắc phục việc khó xử lý hình sự khi có dấu hiệu của tội phạm.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, về lâu dài, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành thuế, kế hoạch và đầu tư tăng cường chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, số lao động thực tế làm việc trong doanh nghiệp. Qua đó giúp các cơ quan bảo hiểm xã hội xác định chính xác số tiền thực thu và tránh thất thu, đồng thời khắc phục được tình trạng báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị để xem xét liệu có dấu hiệu tội phạm, tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu nhấn mạnh có không ít trường hợp "cực chẳng đã", do mất việc nên mới phải chọn giải pháp hưởng một lần. Đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ trong dịch bệnh, góp phần động viên người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải thoát đồng bộ khác, không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mà phải có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh phục hồi trong và sau dịch bệnh để giữ chân người lao động.
Bên cạnh đó, tình trạng vì lợi ích trước mắt, lợi dụng chính sách ưu việt của bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp và thủ tục dễ dàng khiến một bộ phận người lao động, ngay cả việc làm khá ổn định, "nhảy việc" để hưởng các chính sách này. Với các trường hợp này, đại biểu đề nghị tăng cường tuyên truyền vẫn là giải pháp phải kiên trì thực hiện.