“Đền ơn đáp nghĩa” bằng cả trái tim
![]() |
Biên tập viên Đức Dục ăn mì gói với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 trong khi thực hiện chương trình
Tháng bảy, những cơn nắng như đổ lửa của mùa hè bắt đầu dịu lại. Thời tiết chuyển sang se se lạnh, cũng là lúc lòng người chùng xuống với nhiều cảm xúc. Tháng bảy cũng là tháng tri ân, đền ơn đáp nghĩa những thương binh, liệt sĩ, người đã đóng góp tuổi thanh xuân, xương máu của mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thấu hiểu những mất mát, hy sinh mà họ và gia đình phải trải qua, người Hà Nội cũng như cả đất nước Việt Nam biết rằng có những thứ mất đi mãi mãi không thể lấy lại được. Sự bù đắp về tinh thần, vật chất của Đảng, Nhà nước và thế hệ đi sau là nguồn động viên to lớn để các thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ cảm thấy ấm lòng trong vòng tay nhân dân cả nước.
Điều này cũng góp phần viết tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc. Những hành động cụ thể ấy cũng sẽ giáo dục truyền thống lí tưởng cho thanh thyếu niên để họ cảm nhận được hết ý nghĩa, công lao to lớn mà thế hệ trước đã phải dùng xương máu của mình đổ xuống để cho họ được thụ hưởng nền hòa bình ngày nay. Lòng biết ơn sâu sắc sẽ khiến mỗi người như được tiếp thêm sức mạnh để củng cố lòng yêu nước, sống có lí tưởng và cống hiến, xây dựng Tổ quốc trong thời đại mới.
Nằm trong dòng chảy đó, không chỉ riêng ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam 27/7 mà việc đền ơn đáp nghĩa đã diễn ra trong suốt nhiều ngày tháng của 71 năm qua.
Sở Lao động - Thương binh và xã hội Hà Nội đã tổ chức hoạt động kỷ niệm, thiết thực tri ân người có công trên địa bàn thành phố.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động đáng kể triển khai đồng bộ, có hiệu quả chính sách Thương binh, liệt sĩ - Người có công và các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều người đau đáu với việc hài cốt các liệt sĩ còn nằm rải rác trên các chiến trường khắp cả nước và cả ở bên nước bạn. Công việc này không chỉ là của Đảng, Nhà nước mà còn cần sự chung tay, góp sức của những người có tâm, đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể. Trong đó phải kể đến những người thực hiện chương trình “Đi tìm đồng đội” của kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Khán giả xem truyền hình chắc hẳn vẫn còn nhớ từ nhiều năm nay mục “Nhắn tìm đồng đội” được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Người dẫn chuyện mục này từ những ngày đầu là nhà báo Tùng Lâm. Nhiều người làm chương trình chứng kiến và kể lại, cứ đọc đến đoạn “Ai biết phần mộ liệt sĩ… ở đâu, xin báo về gia đình theo địa chỉ… hoặc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh…” là chị khóc.
Thấu hiểu những mất mát hy sinh của người lính và gia đình họ, chị luôn trăn trở rằng chiến tranh đã đi qua nhưng còn nhiều người mẹ, người vợ, thân nhân các liệt sĩ vẫn ngày đêm mong mỏi tin tức về phần mộ của các anh. Chẳng lẽ chương trình cứ phát sóng như thế rồi thôi, mong chờ vào sự may rủi, nếu những người thực sự biết thông tin nhưng không xem được chương trình thì có phải hy vọng sẽ bị gửi vào vô vọng sao?
Nghĩ vậy, nhà báo Tùng Lâm đã mất 20 năm để tư duy, tìm tòi và cho ra được format chương trình “Đi tìm đồng đội”. Ý nghĩa của chương trình thì lớn lao nhưng đi kèm đó là bao nhiêu khó khăn, gian truân và cả tính khả thi. Vì thế, chị cũng phải tìm mọi cách để chứng minh rằng mình sẽ làm được. Được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người có công với cách mạng, sau hơn một năm chuẩn bị chu đáo kĩ càng, 20h45 ngày 15/1/2015, chương trình lên sóng số đầu tiên.
Sau khi phát, đường dây nóng của chương trình “cháy máy”. Khắp cả nước gọi điện về chương trình để chia sẻ, tâm tình, gửi gắm những mong mỏi và cả thông tin về phần mộ liệt sĩ. Từ đó đến nay, hai số đường dây nóng của chương trình là 0965.001.222 và 024.6653.0123 ngày nào cũng tiếp nhận cả trăm cuộc điện thoại.
Bản thân nhà báo Tùng Lâm vô cùng tâm huyết với “Đi tìm đồng đội”. Chị từng sang tận Campuchia đón hài cốt liệt sĩ, đêm ngủ trong nhà quàn, cứ cách một tiếng chị lại sang thắp hương thành kính khấn vái: “Làm sao để em có thể trả lại tên cho các anh”. Bởi không như nhiều người hình dung, việc đi tìm được mộ liệt sĩ đã là gian truân rồi nhưng rất nhiều liệt sĩ không tên nên việc tìm danh tính cho liệt sĩ hết sức quan trọng.
Điều đáng nói là, những người thực hiện chương trình, ngoài nhà báo Tùng Lâm còn có rất nhiều phóng viên, biên tập viên tuổi đời còn rất trẻ. Họ sinh ra sau chiến tranh nhưng ý thức được việc mình làm không chỉ là công việc mà còn có ý nghĩa đối với thân nhân, gia đình liệt sĩ nên dù gian khổ bao nhyêu cũng không quản ngại. Phóng viên Tiểu Thúy kể, những chuyến đi xuyên rừng, xuyên biên giới với nhóm là chuyện rất bình thường.
Có lần chị cùng BTV Bích Thủy và Quay phim Thy Tùng cùng các CCB vào Vườn Quốc gia Bù Gia Mập để tìm liệt sĩ. Nơi đây từng được gọi là đồi quân y Bắc Sơn. Mưa ở miền Đông Nam Bộ bất chợt, vắt thì nhiều vô kể, mọi người đã chuẩn bị thuốc bôi mà vắt vẫn bám quanh người, cứ thấy lạnh cái là sờ được vắt. Đi bộ bốn, năm tiếng mới vào đến nơi năm xưa an táng các liệt sĩ. Sau hai ngày tìm kiếm, mọi người vẫn chưa xác định được nơi an táng các liệt sĩ, BTV Bích Thủy phải quay trở ra Hà Nội gấp vì hai ngày sau chị tổ chức lễ cưới.
BTV Đức Dục chia sẻ: “Tôi đã có nhiều chuyến công tác với các Đội quy tập ở trong nước và nước ngoài. Mỗi chuyến đi cho tôi thêm thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà các anh phải đối diện cũng như quyết tâm của những người lính quy tập khi quay lại chiến trường xưa tìm đồng đội.
Tôi nhớ nhất câu chuyện đêm khuya ở điểm cao hơn 1.200 tại đỉnh núi Phù Má Thao, tỉnh Bô ly khăm xay, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với thượng tá Lê Văn Hiền, Đội trưởng Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh. Anh Dục cho biết: Trong hành trình của người lính quy tập còn có cả những ánh mắt khô khốc của người mẹ già ngày đêm trông chờ con trở về; của những người vợ cạn khô dòng nước mắt và cả những khắc khoải của người con tìm cha dù chưa một lần biết mặt. Điều ấy đã thôi thúc các anh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách bằng những công việc cụ thể”.
Đức Dục cho biết anh đã chứng kiến các anh bám vào vách núi, treo mình vào vách núi cheo leo. Sự sống và cái chết cách nhau trong giới hạn mong manh. Có những chuyến đi vất vả cả tuần, những ngày cuối của chuyến đi, lương thực dần cạn, anh em phải chia nhau từng hụm nước, miếng lương khô…
“Mỗi hành trình các anh đi không có hành trình nào giống nhau nhưng ý chí và quyết tâm tìm thấy các thế hệ cha anh hy sinh ở chiến trường xưa vẫn vẹn nguyên trong tim mỗi người lính quy tập hài cốt liệt sĩ” - Đức Dục xúc động kể.
Chương trình đã phát sóng được hơn 90 số vào 20h45 tối thứ năm của tuần thứ một và tuần thứ ba trong tháng trên kênh Quốc phòng Việt Nam (QPVN) và phát lại vào lúc 8h30 sáng chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV2. Từ thông tin đa chiều và mang tính tương tác cao; chương trình đã tìm thấy và đưa gần 300 liệt sĩ về với người thân và quê hương; kết nối rất nhiều thông tin chính xác về đơn vị và liệt sĩ.
“Đi tìm đồng đội” trở thành địa chỉ thân thyết cho thân nhân, gia đình liệt sĩ, bản thân những người làm chương trình cũng như thấy mình được tiếp thêm sức mạnh để lại tiếp tục lên đường, bất kể bao khó khăn, gian khổ. Bởi họ biết đền ơn đáp nghĩa bằng cả trái tim mình thì sẽ nhận được những kết quả ý nghĩa và thiết thực.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Liên hoan văn nghệ mừng sinh nhật Đoàn

8 mô hình thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn

Tuổi trẻ Transerco sôi nổi tranh tài đá bóng hưởng ứng Tháng Thanh niên 2019

Đối thoại trực tuyến Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn với đoàn viên thanh niên

Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Hội Sinh viên VN khóa IX

50 nữ sinh viên Hà Nội “đọ” tài sắc

“Gia tài khủng” của nữ đoàn viên ưu tú tuổi đôi mươi

Nữ sinh 9X xinh đẹp, tài năng, khiến nhiều chàng trai “phải lòng”
Huyền My đẹp lạ làm cố vấn chuyên môn cuộc thi Hoa khôi sinh viên Việt Nam
