Để mùa hè trôi qua thật ý nghĩa với con nhỏ...
Mùa hè “ngợp bóng đá” với UEFA EURO 2020™ và nhiều chương trình giải trí hấp dẫn |
Giữ cho trẻ an toàn
Đó là mục tiêu mà hầu hết các bậc cha mẹ ở Hà Nội đều hướng đến trong mùa hè này. Nếu những năm trước, mùa hè có rất nhiều nguy cơ xảy ra cho trẻ nhỏ như đuối nước, tai nạn giao thông, lo con ở nhà một mình hoặc không có ai trông, xảy ra bất trắc, nắng nóng, bệnh tật… thì năm nay, nỗi niềm canh cánh của cha mẹ chính là dịch bệnh.
Mặc dù dịch Covid-19 ở Hà Nội được kiểm soát tương đối tốt, những khu có người mắc bệnh đều đã được phong tỏa, bệnh nhân đều đã được đưa đi cách ly nhưng tinh thần cảnh giác của người Hà Nội vẫn rất cao. Làm sao để giữ an toàn cho con, không để con bị lây bệnh, đó mới là điều quan trọng nhất.
Chị Minh Anh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vì sợ mang bệnh về nhà cho con nên chị và chồng “cảnh giác cao độ”, nghĩa là đến khu vực nào làm việc cũng phải nghiên cứu kĩ xem có ca F nào không. Ngay cả việc gặp gỡ đối tác cũng rất hạn chế, nếu giải quyết công việc qua điện thoại, online thì anh chị đều ưu tiên, bần cùng lắm mới phải gặp trực tiếp.
Bên cạnh đó, các khuyến cáo phòng dịch được gia đình chị tuân thủ tuyệt đối. Ông bà cũng chịu khó tập thể dục bằng máy tại nhà, tuần đi chợ một lần để không phải tiếp xúc với người lạ nhiều. “Cho bọn trẻ biết cảm giác “thời chiến” là thế nào. Đây đúng là mùa hè đáng nhớ của cả gia đình tôi và các con”, chị Minh Anh nói.
Các khu vui chơi đóng cửa để phòng chống dịch, phụ huynh cần phải giữ con ở nhà vừa vui vừa an toàn |
Chị Thu Cúc (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì cho biết mình vừa đành phải ngậm ngùi hủy vé máy bay, hủy phòng khách sạn. Ngay từ ra Tết, chị đã cặm cụi săn vé máy bay, đặt phòng trước để cả nhà đi nghỉ mát ở Phú Quốc. Chả là năm nay cậu cả nhà chị thi Đại học, cô út thì cũng vào cấp 3.
Sau 2 kì thi lớn, chị muốn thưởng cho các con chuyến nghỉ dưỡng cho lại sức để bước vào môi trường mới. Vậy mà dịch bệnh bùng phát, chưa biết bao giờ trở lại trạng thái bình thường trên cả nước, đi lại bằng máy bay tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên chị không dám. Giữ an toàn cho các con là hơn cả. Năm nay cứ xác định là không du lịch, không đi xa, cứ ở chặt nhà, đây cũng là cách để cuộc sống sớm bình thường trở lại, chị Minh Anh tâm niệm.
Với rất nhiều gia đình, việc du lịch hè năm nay chưa tính đến. Bởi lẽ, khi nào dịch tạm yên trên toàn quốc mới dám đi. Mà rất có thể khi đó các con đã vào năm học mới rồi. Bởi thế, “ai ở đâu ở yên đấy” vẫn là câu “khẩu quyết”. Trước hết, phải lo cho mùa hè này đã. Trong khi rạp chiếu phim đóng cửa, các bể bơi công cộng không hoạt động, siêu thị nhà hàng không mở, khu vui chơi công cộng cũng tạm ngừng để chống dịch, làm sao để cho trẻ trải nghiệm hết cả một mùa hè cũng là điều rất đáng quan tâm.
Dù vậy, trẻ con không như người lớn, bảo ngồi một chỗ là ngồi, cũng không thể suốt ngày cho con xem TV, xem điện thoại hại mắt. Các con cần vận động, cần vui chơi mà vẫn phải đảm bảo an toàn. Có như thế trẻ mới không cảm thấy bí bách và ông bà, bố mẹ cũng không cảm thấy quá tải.
Gắn bó hơn, ý nghĩa hơn
Bác sĩ Minh Nguyễn từng viết trong cuốn sách của mình: Đối với trẻ con, tất cả mọi thứ đều phải được chơi. Học cũng là chơi, ăn cũng là chơi, thậm chí đi vệ sinh cũng vẫn là chơi. Chính vì thế, chị Thúy (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) luôn tìm cách để con được “chơi” chứ không nhàn rỗi.
Thay vì bảo con “đi nhặt rau giúp mẹ”, chị Thúy nói: “Con ra đây chơi rau cùng mẹ đi”. Ba mẹ con cắm cúi vào rổ rau, tìm xem có con sâu nào không, so sánh xem rau cải khác rau muống như thế nào, rau ngót thì lá ra làm sao, rau dền tại sao lại có màu đỏ.
Chị Thúy cũng mua những bộ tỉa rau củ để ba mẹ con cùng gọt quả su su, quả bí, bầu, cà rốt thành những hình hoa xinh xinh mang luộc hoặc xào, các con chị rất thích thú vì vừa được làm vừa được chơi. Ngay cả việc lau nhà, dọn dẹp đồ đạc chị cũng tham gia cùng con, bày ra thành các trò “đi tìm kho báu”, thi ai xếp quần áo vuông vức, thi nhận diện quần áo của bố mẹ…
Dạy con làm việc nhà cũng khiến tăng thêm sự gắn bó, cùng sẻ chia, trách nhiệm với gia đình |
Chị Loan (ở quận Hà Đông, Hà Nội) thì tranh thủ thời gian ngoài những lúc làm việc online ở nhà thì cùng hai cô con gái mày mò chế biến các món ăn, kê dọn lại những căn phòng, mua thêm giấy dán tường, đồ trang trí về cải tạo lại không gian sống để mỗi ngày đều có việc mà làm, có cái mới để ngắm.
Điều này vừa giúp các con hạn chế xem TV, không buồn chán vừa biết làm việc nhà, trong khi chính bố mẹ cũng giảm áp lực không phải quát mắng con hay thấy mình luôn chân luôn tay mà các con cứ ì ra, không biết làm việc gì nữa.
“Bạn cứ thử tưởng tượng đang vui chơi bay nhảy mà bị nhốt vào trong 4 bức tường cả tháng, thậm chí mấy tháng trời xem, có chiu nổi không? Trẻ nhỏ vốn hoạt bát, có nhu cầu giao lưu, hoạt động, vui chơi hơn chúng ta rất nhiều. Nếu ở nhà bị cấm đoán mọi việc, rồi suốt ngày nghe những câu mệnh lệnh nào là xem TV ít thôi, học bài đi, vẽ tranh đi, đọc sách đi, dọn nhà đi… các con sẽ rất dễ chán mà nảy sinh tâm lí chống đối. Vì thế, bố mẹ ông bà càng cần phải có “chiến lược” rõ ràng để cả mình, cả con đều không bị bức bối, căng thẳng”, một chuyên gia tâm lí phân tích.
Nên xác định, đây là khoảng thời gian cần thiết để mỗi người tự nhìn lại mình. Thay vì thả các con đến trường từ sáng đến chiều, tối về chỉ tiếp xúc với nhau một chút rồi ai vào việc nấy, hãy coi đây là lúc chúng ta nhìn lại mình nhiều hơn, gần gũi các con nhiều hơn. Đa phần các bà mẹ ban đầu đều cho rằng rất áp lực khi phải làm việc ở nhà, cùng các con 24/24 giờ.
“Việc đã đủ căng thẳng rồi, còn thêm cơm nước, quát tháo các con, mệt kinh khủng”, chị Vy “than”. Sau một thời gian, chị thấy cần phải thay đổi, chứ như thế này thì mẹ mệt con cũng mệt. Chị giao việc cho từng đứa. Thằng anh lớn lau nhà, đổ rác, cất quần áo. Con em nhỏ hơn giúp mẹ nhặt rau, cắm cơm. Thời gian còn lại ngoài học bài ra còn phải đọc đủ số trang sách cần thiết.
Ban đầu các con cũng chống đối ghê lắm. Ông bà xót cháu cũng không muốn cháu làm việc nhiều nhưng chị Vy kiên quyết nói “để các cháu bớt xem TV đi”, ông bà phải nghe theo. Được một thời gian, mọi thứ đi vào quy trình, chị Vy thấy nhẹ nhàng hẳn. Không những thế, chị thấy các con gần gũi ông bà hơn, hay “vòi” ông bà kể chuyện ngày xưa như thế nào, bố mẹ cháu hồi bé như cháu ra sao rồi cười như nắc nẻ. Chị thực sự rất vui, cảm thấy yêu các con hơn và chính mình cũng thấy gắn bó với bố mẹ chồng, với các con mà suốt nhiều năm qua vì bận rộn lao đi làm, chưa bao giờ chị có cảm giác ấy.
Một mùa hè có dài là bao nhiêu so với cả cuộc đời. Vì thế, mùa hè năm nay có đặc biệt hơn những mùa hè trước thì mỗi bậc phụ huynh chúng ta cũng nên tự điều chỉnh mình, hướng về gia đình và con cái nhiều hơn để cảm nhận trọn vẹn niềm vui, sự gắn bó hơn và quan trọng nhất cho trẻ con một mùa hè thật đáng nhớ.
Bé vui hè an toàn tại nhà với loạt series hoạt hình được yêu thích nhất |
Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình "Đọc xuyên mùa hè 2021" |
Đảm bảo phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng |