Để Hà Nội ngày càng xanh, trong lành: Trách nhiệm không của riêng ai
Hà Nội ngày một đẹp lên, thanh bình hơn
Bài liên quan
Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, kỷ cương
Góp sức để Hà Nội xanh - sạch - đẹp
Chung tay xóa bỏ bếp than tổ ong
Từ tuyến phố văn minh…
Từng có một thời gian dài, tuyến phố Bạch Mai (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) với không ít “điểm đen” chân rác tồn đọng trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Phố ngắn nhưng đông đúc cư dân. Mỗi ngày, hàng chục xe rác cố định đầu các con ngõ luôn trong tình trạng chất đống, bốc mùi hôi thối. Vỉa hè bị lấn chiếm, môi trường nhếch nhác nên thật khó hình dung đây là cảnh quan tại một con phố ở trung tâm.
Năm 2019, quận Hai Bà Trưng đã tiến hành thí điểm tuyến phố không thùng rác cố định tại phố Bạch Mai và đã xóa điểm chân rác tồn đọng lâu ngày ở nhiều ngõ, như ngõ 90, 205, 433, 459, 425...
Sau thành công của tuyến phố Bạch Mai, phong trào xóa “điểm đen” chân rác lan tỏa tới nhiều ngõ phố khác, tiêu biểu như: Ngõ 505 Trần Khát Chân, ngõ 132 Lò Đúc, ngõ 28 Đồng Nhân...
Quận Hai Bà Trưng cũng đã duy trì được 40 tuyến phố phụ nữ tự quản, thực hiện phong trào "Ngày chủ nhật xanh", "Tôi yêu Hà Nội", tuyến phố “Hai không” ở nhiều nơi trên địa bàn… từng bước đem lại diện mạo sáng, xanh, sạch đẹp cho quận.
Tại quận Long Biên, đã có 35 tuyến phố đăng ký thực hiện, duy trì tuyến đường văn minh đô thị; 247/294 tổ dân phố đăng ký thực hiện ngõ phố xanh, sạch, đẹp.
Nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo đã được triển khai, đem lại hiệu quả cao, tiêu biểu như: Mặt trận Tổ quốc quận duy trì 22 tổ tuyên truyền vận động, phát hiện 2.361 lượt địa chỉ vi phạm và ban hành 128 thông báo kết quả giám sát về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; 14 phường đã thành lập câu lạc bộ tình nguyện về vệ sinh môi trường, vận động các hộ gia đình tự chỉnh trang mặt tiền nhà ở… Đáng chú ý, quận đã hoàn thiện các giải pháp đánh giá “tuyến đường, tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị”, “chợ văn minh thương mại” vừa làm căn cứ tổ chức thực hiện, vừa tạo không khí thi đua.
Theo lãnh đạo UBND quận Long Biên, với cách làm bài bản, đồng bộ, ý thức của nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị được nâng lên rõ rệt. Trên 86.205 lượt người đã tham gia các câu lạc bộ tình nguyện vì vệ sinh môi trường, thực hiện 747 lần ra quân vệ sinh môi trường, duy tu, duy trì, vệ sinh tại các vườn hoa, thảm cỏ, đài tưởng niệm liệt sĩ; dải phân cách, vỉa hè một số tuyến đường… Năm 2019, có 247/294 tổ đăng ký tổ dân phố xanh - sạch - đẹp, đạt tỷ lệ 84,01%.
Không chỉ các quận Long Biên và Hai Bà Trưng, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đã hình thành nề nếp tổng vệ sinh các ngày cuối tuần tại thôn, làng, tổ dân phố... Nhiều huyện có những cách làm đáng ghi nhận, như huyện Đan Phượng duy trì kiểm tra, chấm điểm đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp theo từng quý và có khen thưởng những nơi làm tốt với phần thưởng là 13 triệu đồng/đơn vị. Huyện Thanh Oai hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho việc chỉnh trang cảnh quan môi trường...
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc La (quận Hà Đông) Lê Thị Hương chia sẻ: "Quyết tâm xây dựng khu dân cư sạch, đẹp, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc La đã hưởng ứng, thu dọn hàng nghìn khối rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng dọc bờ sông Nhuệ (khoảng 1km, thuộc tổ dân phố số 19) và nhanh chóng phủ xanh bằng cây và hoa... Ngoài ra, hội còn phối hợp với các tổ dân phố khác xóa 8 điểm chân rác, xây dựng 3 tuyến đường xanh, 2 vườn hoa và 1 sân chơi...
Người dân chung tay bảo vệ môi trường sống |
Gắn bó với Hà Nội hơn 40 năm, bà Lê Minh Hòa (sống tại phố Lò Đức, quận Hai Bà Trưng) không giấu niềm vui khi cảm nhận những thay đổi tích cực của thành phố. “Hà Nội ngày một đẹp lên, người dân đã ngày càng có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Nếu như khoảng hơn chục năm về trước đi trên đường thỉnh thoảng bắt gặp những đống rác bên lề đường thì nay thành phố đã đầu tư nhiều thùng rác và người dân có trách nhiệm hơn trong việc đổ rác đúng giờ, đúng quy định” – bà Hòa phấn khởi cho biết.
Tới mặt hồ sạch đẹp
Thư thái ngồi hóng gió ven hồ Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa), ông Nguyễn Đức Vinh không quên cách đây hơn 10 năm, ông và người dân nơi đây khổ sở sống chung với ô nhiễm hồ. Lúc đó, hồ Phương Mai chưa được tách nước thải của khu dân cư nên không khác gì hố ga lộ thiên. Mặt hồ phủ kín bèo và rác, nước thì bốc mùi hôi thối nên nhà nào cũng phải đóng kín cửa.
“Thời điểm đó, tình trạng ô nhiễm nước thải, rác thải cũng xảy ra tại nhiều hồ nước trên địa bàn thành phố. Hệ thống các sông, mương thoát nước cũng ô nhiễm trầm trọng, giảm chức năng tiêu thoát nước tự nhiên dẫn đến úng ngập thường xuyên xảy ra khi trời mưa lớn... “ – ông Vinh nhớ lại.
Để cải thiện tình trạng úng ngập, ô nhiễm, từ năm 1998, Hà Nội đã triển khai dự án thoát nước giai đoạn I với mục tiêu chống ngập úng do nước mưa cho đô thị lõi của Thủ đô và trong lưu vực sông Tô Lịch. Theo đó, 4 sông chính gồm: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu và hàng loạt kênh, mương được cải tạo, nạo hút bùn, kè lát. Nhiều tuyến đường dọc các tuyến sông cũng hình thành, giải quyết “kép” vấn đề môi trường và giao thông...
Năm 2008, Hà Nội tiếp tục triển khai dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, nâng cấp, cải tạo các trạm bơm đầu mối Yên Sở và 12 trạm bơm nước khác. Hàng loạt hồ điều hòa ở nội thành cũng được cải tạo, kè lát, tách hệ thống nước thải không cho chảy vào hồ...
Để tạo môi trường sống trong lành cho người dân, những năm gần đây, công tác xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hồ cũng được Hà Nội quan tâm triển khai. Thành phố đã xử lý được 87 hồ nội thành và 44 hồ ngoại thành; nạo vét bùn 8 hồ để hỗ trợ duy trì chất lượng hồ. Nhằm góp phần duy trì chất lượng nước hồ sau xử lý, tạo cảnh quan đẹp, trên 56 hồ được lắp đặt bè thủy sinh và 36 hồ được lắp máy sục khí.
Dự án tôn tạo cảnh quan hồ Tây và môi trường nước hồ Hoàn Kiếm cũng đang được các đơn vị chuyên ngành triển khai thực hiện. Nhờ vậy, nhiều “lá phổi xanh” của thành phố đã hồi sinh, trở thành những "máy điều hòa không khí khổng lồ” của khu dân cư.
Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ở các huyện ngoại thành, phong trào cải tạo ao hồ, trồng cây xanh, tạo dựng các tuyến đường hoa... cũng được triển khai rộng khắp. Nhờ vậy, ngoại thành Hà Nội không chỉ có thêm nhiều nhà, đường, công trình văn hóa xã hội mới... mà còn đẹp hơn nhờ những mặt ao sạch đẹp, những tuyến đường hoa rực rỡ.
Dù vẫn còn nhiều bất cập, song không thể phủ nhận Hà Nội hôm nay đang ngày một đẹp hơn. Thành quả này đến từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt từ thành phố đến cơ sở; đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của người dân Thủ đô, vì một thành phố đẹp, hiện đại và thanh bình.