ĐBSCL: Hầu hết doanh nghiệp đóng cửa, còn lại hoạt động 5 - 10% công suất
Doanh nghiệp ở Cần Thơ hầu hết đóng cửa
Báo cáo của Sở Công thương thành phố Cần Thơ, tính đến 14 giờ ngày 16/8, trong tổng số doanh nghiệp thành phố đang theo dõi là 1.090, đã tạm dừng 1.032 doanh nghiệp (chiếm 94,68%), còn hoạt động 58 doanh nghiệp (5,32%). Tổng số lao động 69.893 người, hiện đã nghỉ 65.248 người (93,35%), số còn lại sản xuất 3 tại chỗ trong các doanh nghiệp là 4.645 người (6,65%).
Trong các trong khu công nghiệp và chế xuất có 170 doanh nghiệp với 40.526 lao động: Dừng hoạt động 150 doanh nghiệp (88,24%) với 38.226 lao động (94,32%), chỉ còn hoạt động 20 doanh nghiệp (11,76%) với 2.312 lao động (5,7%). Ngoài khu công nghiệp có 920 doanh nghiệp với 29.367 lao động: Dừng hoạt động 879 doanh nghiệp (95,5%) với 27.034 lao động (92,06%), chỉ còn hoạt động 41 doanh nghiệp (4,5%) với 2.333 lao động (7,94%).
Xưởng chế biến gỗ của Công ty Ánh Quang ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ, dừng hoạt động |
Tính theo quy mô lao động, ở ngoài khu công nghiệp: Mỗi doanh nghiệp từ 100 lao động trở lên có 38 doanh nghiệp với tổng cộng 11.072 lao động, dưới 100 lao động có 882 doanh nghiệp với tổng cộng 18.295 lao động. Doanh nghiệp từ 100 lao động trở lên đã dừng hoạt động 34 doanh nghiệp (89,47%) với 10.173 lao động (91,88%), đang hoạt động 4 doanh nghiệp (10,53%) với 899 lao động (8,12%). Doanh nghiệp dưới 100 lao động đã dừng hoạt động 848 doanh nghiệp (96,15%) với 16.861 lao động (92,16%), còn hoạt động 34 doanh nghiệp (3,85%) với 1.434 lao động (7,84%).
Đáng chú ý, có 4 quận, huyện đã dừng hoàn toàn số doanh nghiệp dưới 100 lao động: Quận Cái Răng với 127 doanh nghiệp, quận Ô Môn 31 doanh nghiệp, huyện Phong Điền 19 doanh nghiệp và huyện Vĩnh Thạnh 11 doanh nghiệp. Còn 2 quận, huyện khác có nhiều doanh nghiệp dưới 100 lao động nhưng hầu hết đã dừng hoạt động: Quận Ninh Kiều có 404 doanh nghiệp, đã dừng 99,5%, chỉ còn hoạt động 0,5% (2 doanh nghiệp); quận Bình Thủy có 160 doanh nghiệp, đã dừng 99,38%, chỉ còn hoạt động 0,62% (1 doanh nghiệp).
Bước vào đợt giãn cách mới, Giám đốc Sở Công thương Hà Vũ Sơn cho biết: “Tiếp tục phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất, UBND quận huyện tổ chức kiểm tra, giám sát và sẽ tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp nếu không đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
Doanh nghiệp ĐBSCL hoạt động 5-10% công suất
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phỏng vấn nhanh các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cho biết, doanh nghiệp ĐBSCL chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, đa số phá sản hoặc dừng hoạt động do không thuộc ngành thiết yếu, không thể duy trì sản xuất.
Số doanh nghiệp còn hoạt động, phần lớn chỉ từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện 3 tại chỗ, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…). Công nhân làm việc bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác (do thiếu hụt lao động).
Công ty sản xuất tôm giống Anh Tuấn ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ, đóng cửa |
Thông tin từ doanh nghiệp còn cho biết các chính sách, quy định phòng chống dịch giữa các tỉnh không đồng bộ, triển khai các gói hỗ trợ chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp cho rằng, chính sách thiếu tính thực tiễn và thay đổi nhanh khiến doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện. Có thể kể đến một số quy định trong thời gian qua như: Quy định về hàng hoá thiết yếu còn mơ hồ; quy định về việc có giấy xét nghiệm âm tính; Quy định về ra vào tỉnh, luồng xanh. Chính sách bất cập và khi giải quyết khó khăn của doanh nghiệp lại rất chậm. Có trường hợp tỉnh chậm thông báo về nhiễm dương tính khiến doanh nghiệp bị phong tỏa đột ngột.
Đối với các gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 68 NQ/CP của năm ngoái. Các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5%-1% là quá ít đối với doanh nghiệp. Tình trạng thiếu vaccine khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đến lượt dù nằm trong ngành thiết yếu.
Các doanh nghiệp kiến nghị: Đẩy nhanh tốc độ tiêm Vaccine. Mô hình 3 tại chỗ cần xem xét điều chỉnh để phù hợp thực tiễn. Các chính sách về giảm, giãn thuế; Giảm lãi suất vay và gia hạn vay để giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí vận chuyển như cước tàu, chi phí test Covid-19; Nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng Covid-19. Có sự thống nhất của các địa phương trong vùng ĐBSCL về các chính sách phòng chống dịch.