Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt
Sự tương thích về kỹ thuật giữa ngân hàng, trung gian thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công được đảm bảo và thuận tiện, người dân sẽ tự chuyển đổi sang hình thức thanh toán các dịch vụ không dùng tiền mặt
Nhiều ngành đang tích cực triển khai
Việc đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội... góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và cũng là điều kiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định, Bộ Y tế rất quan tâm tới vấn đề thúc đẩy dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện, Bộ đang xây dựng mô hình bệnh viện thông minh trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa việc thanh toán của người dân, giảm bớt chi phí của bệnh viện.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm Bộ thu khoảng 100.000 tỷ đồng từ viện phí, phí bảo hiểm y tế nhưng thanh toán viện phí bằng tiền mặt vẫn chiếm phần lớn mặc dù nhiều người dân có tài khoản ngân hàng.
Theo ông Liên, việc thanh toán qua ngân hàng rất thuận lợi vì người dân không phải đi lại nhiều lần. Tuy nhiên, do việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến nên tại một số bệnh viện bộ phận tài chính có khi lên tới 70-80 người để thực hiện công việc này. Do vậy, để thúc đẩy thanh toán phí khám chữa bệnh không dùng tiền mặt, các bệnh viện phải đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán thẻ, phối hợp và liên kết đồng bộ với các ngân hàng để người dân tiện lợi hơn trong quá trình thanh toán, bởi họ không chỉ khám ở một viện.
Là lĩnh vực đang đẩy mạnh việc thanh toán các dịch vụ công, thu thuế, lệ phí không dùng tiền mặt, ngành Thuế và Hải quan có tỷ lệ sử dụng lớn nhất. Theo thông tin từ Cục thuế, hiện đã có trên 97% doanh nghiệp lớn đang hoạt động kê khai thuế điện tử.
Còn theo Tổng cục Hải quan thì Cục Xuất nhập khẩu đã triển khai thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng từ năm 2010 khi thu thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu. Năm 2017, ngành Hải quan tổ chức thu thuế điện tử 24/7, làm việc cả ngày nghỉ, lễ, Tết; thu được 297 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 90% thu nộp thuế điện tử, chỉ có 0,82% nộp tiền mặt, 10% thu theo hình thức khác. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết: “Cục Xuất nhập cảnh đã ký kết với nhiều ngân hàng thu thuế điện tử thay vì thu tiền mặt, giúp doanh nghiệp thanh toán các dịch vụ công thuận tiện và tự chủ được thời gian”.
Tính đến tháng 7/2018, số tiền nộp thuế qua kê khai thuế điện tử là 373.562 tỷ đồng/651.053 tỷ đồng, chiếm 57,35% tổng số thu ngân sách nhà nước do ngành Thuế quản lý. Việc kê khai thuế điện tử đảm bảo tính minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian cho người dân và hạn chế tiêu cực.
Về dịch vụ thu tiền điện, hiện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang tiến đến chấm dứt hình thức thu tiền tại nhà. Tuy nhiên, với đặc thù cung cấp điện trên toàn quốc, cả những vùng sâu, vùng xa nên EVN gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai không giao dịch tiền mặt. Để thanh toán tiền sử dụng điện, ngoài các hình thức truyền thống, người dân và các tổ chức có thể sử dụng các hình thức như: Trích nợ tự động, ATM, internet banking, mobile banking, ví điện tử… Tuy nhiên, công tác thu qua ngân hàng, không dùng tiền mặt vẫn chưa đạt tỷ lệ cao.
Liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, lĩnh vực nước sạch cũng đang từng bước được nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân trong việc thanh toán phí. Hiện các công ty nước sạch tại những thành phố lớn đã dần bỏ qua khâu thu tiền tại nhà, chuyển sang hình thức thu qua ngân hàng và các dịch vụ thanh toán trung gian. Đây được coi là bước tiến lớn của ngành cung cấp nước sạch sau bao nhiêu năm duy trì hệ thống cán bộ nhân viên thu, với số lượng lớn, hiệu quả không cao.
Các lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, chi trả hưu trí, thu học phí và các dịch vụ công khác cũng đang từng bước được số hóa, qua đó góp phần thúc đẩy thành công đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đã được Thủ tướng phê duyệt.
Những giải pháp căn cơ
Về vấn đề này, nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia đã cung cấp một bức tranh tổng thể về thực trạng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng không thể thực hiện một sớm một chiều mà cần có lộ trình và những giải pháp cụ thể.
Các chuyên gia đã đưa ra ba giải pháp tổng thể, đó là: Truyền thông nâng cao ý thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng trực tuyến; hoàn thiện hệ thống pháp lý trong việc thanh toán dịch vụ công quan ngân hàng; đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ, hiện đại hóa các hình thức thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và người dân.
Để thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ tài chính của người dân, theo nhiều chuyên gia, cần thực hiện nhiều chương trình truyền thông hơn nữa nhằm nâng cao hiểu biết, thói quen và hành vi của người sử dụng. Làm sao để người dân dễ hiểu, tiết kiệm và phù hợp nhất. Mặt khác, tỷ lệ người dân ở khu vực nông thôn chiếm 70-80% dân số nên cần tập trung truyền thông đến khu vực này nhằm thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ tài chính của họ.
Về hành lang pháp lý, chủ trương thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng được đề cập tại Quyết định số 1726/QĐ ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế”, Quyết định số 241/QĐ ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công” và các Nghị định, các điều luật cũng quy định rất rõ. Như vậy, việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng đã được Nhà nước quan tâm từ rất sớm. Tuy nhiên, trong triển khai vẫn còn một số tồn tại như: Giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt ở địa bàn vùng sâu, vùng xa; việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm; khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, nhiều chuyên gia kiến nghị phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; xây dựng hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán phù hợp và phân bố đồng đều nhất là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán.
Một số nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt:
- Sự thuận tiện của tiền mặt và thói quen, tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của người dân;
- Trong một số trường hợp, ngân hàng không thu được phí dịch vụ thanh toán nên chưa có nhiều động lực để triển khai, phát triển sản phẩm dịch vụ thanh toán;
- Một số trường hợp, khách hàng phải trả phí khi thanh toán khiến khách hàng ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt…