Dấu mốc cho việc cả nước chuyển qua giai đoạn bình thường mới
Các vị khách mời tại Tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội |
Đây là Nghị quyết được người dân, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội mong đợi, đồng tình, đánh giá cao và cho rằng nó đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng chống dịch. Chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, góp phần bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Sáng 18/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới”. Tham dự Tọa đàm có: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu; GS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam.
Nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịchT
Tại tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia đều khẳng định sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát; số người mắc và số người tử vong do dịch bệnh những ngày qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới.
Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là một chủ trương, quyết sách rất đúng đắn, sáng tạo và kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo dự báo, vẫn có thể có những chủng virus mới và dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch từ cố gắng dập dứt điểm ca bệnh sang “chung sống an toàn”.
Để kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các biện pháp phòng chống dịch của chúng ta cần điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp hơn với thực tiễn.
Cùng với việc tăng dần tỷ lệ bao phủ vaccine, cần phát hiện sớm các ca bệnh, trường hợp nhiễm, không để sót các ca bệnh, tiến hành khoanh vùng, cách ly ở diện tích nhỏ nhất có thể; hạn chế các biện pháp phong tỏa kéo dài trên diện rộng, triển khai quyết liệt điều trị cho các ca lây nhiễm, điều trị từ sớm từ xa, giảm tỷ lệ tử vong.
Bên cạnh đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, hàng hóa, du lịch, giáo dục đào tạo… Qua đó, từng bước đưa ra giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp, đảm bảo an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu |
Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Đinh Văn Thiệu cho biết:
“Chúng tôi có thể khẳng định Nghị quyết 128 là một quyết sách rất đúng đắn, rất hợp lý trong thời điểm hiện nay. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi đón nhận Nghị quyết 128”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Đinh Văn Thiệu chia sẻ, đồng thời cho biết Khánh Hòa quyết tâm vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa thực hiện mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế cho giai đoạn từ nay về sau.
Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Nghị quyết 128 là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không ‘cát cứ’, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí |
Theo GS.Nguyễn Anh Trí, Nghị quyết 128 xây dựng dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất, số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần; thứ hai, số người đã tiêm; thứ ba là khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung cho toàn quốc. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128 cần phải thống nhất trong cả nước. Các địa phương không tự ý quy định xét nghiệm chỗ 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ mà phải thống nhất.
TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, từ Nghị quyết đến hành động chúng ta có 3 vấn đề lớn: Một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương; ba là phải đúng quy định nhưng quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ‘ăn đong’, nay chỉ đạo thế này mai chỉ đạo cái khác. Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình.
TS. Lưu Bình Nhưỡng |
Nhấn mạnh khâu tổ chức vẫn là khâu quyết định sự thành công khi triển khai Nghị quyết 128, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, vừa qua, trong lĩnh vực GTVT, người dân, doanh nghiệp đều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hoá, tổ chức chưa đồng bộ dẫn đến những bất cập.
Sau khi Nghị quyết 128 ra đời, Bộ GTVT đã ban hành các quy định về lĩnh vực đường bộ, hàng hải và hàng không, mặc dù vẫn dựa vào Quyết định 4800 của Bộ Y tế để xây dựng nhưng Bộ GTVT cũng cụ thể hóa với các lĩnh vực cụ thể của ngành, có phối hợp tham khảo ý kiến của Bộ Y tế. Đây cũng là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là lĩnh vực vận tải.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ |
“Khi đã đi vào triển khai, chúng ta cũng cần lưu tâm đến vấn đề hậu kiểm, lấy quy định đã ban hành để xem xét, để hậu kiểm, từ đó sẽ biết được ai làm đúng, ai làm chưa đúng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận”, ông Thọ đề xuất.
Nhắc lại những quy định trong Nghị quyết 128, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Nghị quyết đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.
Sau khi ban hành các hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như của các bộ, ngành khác, trong trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương khả năng thực thi chưa kịp thời hoặc khó khăn, đề nghị các địa phương báo cáo về các cơ quan của Trung ương để các bộ, ngành có hướng dẫn kịp thời, phù hợp, tháo gỡ khó khăn ngay cho các địa phương. Đồng thời, các địa phương tổng hợp báo cáo về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia, để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có điều chỉnh cho phù hợp.
“Đây là Nghị quyết hiện nay được các cấp, các ngành và nhân dân đón nhận rất tích cực, vì vậy, tôi đề nghị một lần nữa các địa phương không đưa ra các biện pháp bổ sung không phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.