Dấu ấn của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc
Với nguyên tắc công khai, minh bạch và phối hợp giữa các bộ phận và cơ quan với nhau; Sở TN&MT tập trung thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật; công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, giấy tờ, hồ sơ và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân; giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân. Việc công khai TTHC còn được thực hiện thông qua việc đăng tải trên Website của Sở TN&MT và tại nơi tiếp nhận hồ sơ.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật năm cũng được Sở TN&MT Vĩnh Phúc chú trọng. Năm 2019, bên cạnh xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến về thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, công tác tuyên truyền còn được thực hiện thường xuyên thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng của Sở và Ban Giám đốc Sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách pháp luật thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Nhờ đó, công tác CCHC của Sở TN&MT ngày càng được củng cố, hoàn thiện; tạo bước chuyển biến căn bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với nhau và giữa các cơ quan hành chính với công dân. Đồng thời, việc liên hệ giải quyết hồ sơ giữa Trung tâm Hành chính công với các Phòng chuyên môn thuộc Sở với các Sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố được phối hợp hiệu quả, kịp thời.
Ông Phan Tuệ Minh – Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 6 lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường, đây đều là những lĩnh vực quan trọng tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc kiến tạo môi trường nông thôn sạch đẹp |
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, một số lĩnh vực mũi nhọn như quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo môi trường, khoáng sản, đo đạc và bản đồ hiệu quả và chất lượng một số nhiệm vụ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cải cách hành chính. Một số địa phương buông lỏng quản lý để phát sinh nhiều tiêu cực, xảy ra nhiều sai phạm, lấn, chiếm đất đai, sử dụng đất đai không đúng mục đích. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về Đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập…
Ở lĩnh vực môi trường, các vấn đề về rác thải, nước thải còn khá phức tạp. Việc xử lý rác thải sinh hoạt chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung; hạ tầng thu gom, xử lý nước thải thiếu đồng bộ, đặc biệt tại khu vực nông thôn…
Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực giải quyết bằng các đề án, dự án, chương trình cụ thể. Đặc biệt, Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 về việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được ban hành và triển khai rộng rãi; tiếp đó là kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 29/8/2019 của UBND tỉnh để triển khai Nghị quyết.
“Tính đến 31/12/2019, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng mới được 145,941m rãnh thoát nước thải và cải tạo sửa chữa được 3.920m cống, rãnh, cơ bản hoàn thành 100% nhiệm vụ, kế hoạch số 142”, báo cáo của Sở TN&MT Vĩnh Phúc nêu rõ.
Trong công tác quản lý đất đai, ngay từ đầu năm 2019, toàn ngành đã hoàn thiện hồ sơ, phương án điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016-2020 cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình dự án trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc giải quyết vướng mắc, tồn tại, vi phạm về đất đai tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả theo Kế hoạch số 7566/UBND ngày 4/10/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về Xử lý, giải quyết các tồn tại, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với Tổng cục địa chất và khoáng sản triển khai kiểm tra hoạt động quản lý, khai thác cát, sỏi, thăm dò, nạo vét thu hồi cát sỏi lòng sông và kinh doanh bến bãi cát, sỏi trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước yêu cầu đổi mới, toàn ngành tài nguyên và môi trường Vĩnh Phúc quyết tâm đẩy mạnh công tác quản lý, tạo đột phá thông qua việc chủ động, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp, đổi mới tư duy lãnh đạo, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục cải cách hành chính; Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, tạo động lực bứt phá để đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Với lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các chương trình, chiến lược, kế hoạch, đề án có liên quan đến bảo vệ môi trường. Xây dựng Chương trình đầu tư, xử lý nước thải, trước mắt tập trung tại các đô thị lớn, lưu vực sông. Nâng cao chất lượng thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, đánh giá môi trường chiến lược. Xây dựng các định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thúc đẩy xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển dịch vụ môi trường…
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |