"Đánh thức" nghề truyền thống ở Bình Dương
Du lịch Bình Dương khai thác thế mạnh làng nghề, lễ hội truyền thống |
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Bình Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 32 làng nghề truyền thống với 9 nghề truyền thống. Trong đó có nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm tuổi, như: làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, làng nghề điêu khắc gỗ Phú Hòa, làng nghề gốm sứ Lái Thiêu,...
Những làng nghề này đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, như: cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp hiện đại, thiếu nguồn nhân lực kế thừa... nhiều làng nghề truyền thống ở Bình Dương đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
Di sản cần được bảo tồn và phát huy
Nhắc đến làng nghề truyền thống ở Bình Dương, nhiều người nhớ ngay đến làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một). Thống kê năm 1945, ở làng Tương Bình Hiệp có hơn 300 hộ gia đình làm nghề sơn mài. Đến năm 2011, làng có 900 hộ với khoảng 3.000 lao động làm sơn mài.
Theo ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, thời kỳ vàng son của sơn mài Bình Dương là thời điểm 1945-1975, khi đó hàng sơn mài xuất khẩu sang các nước Châu Âu, có giá trị thương mại lớn, đạt đỉnh cao về số lượng, với trình độ mỹ thuật và chất lượng nghệ thuật, sự đa dạng phong phú. Đến nay, do sự thay đổi của thị trường, ở Tương Bình Hiệp chỉ còn khoảng 30 hộ tiếp tục sản xuất. Họ là những người yêu nghề, muốn lưu giữ lại những nét tinh hoa của văn hóa Việt trên sản phẩm sơn mài.
Nét đẹp truyền thống của sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ (Ảnh: Thông Hải) |
Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc mong muốn tỉnh sớm triển khai đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch". Đề án được hình thành từ năm 2017 sau khi làng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Theo người làm nghề, đề án không chỉ giúp giới thiệu nét đẹp văn hóa, bảo tồn nghề sơn mài mà còn tạo ra điểm nhấn khi du khách có thể trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất.
Bình Dương còn nổi tiếng với nghề sản xuất gốm sứ và có những thương hiệu nổi tiếng như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long… Sản phẩm gốm Bình Dương đã “bay cao, bay xa” đến các nước trên thế giới. Mặc dù đã có tên tuổi nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh, dịch bệnh, các cơ sở gốm sứ ở Bình Dương đang gặp khó khăn về đơn hàng. Trong khi loay hoay tìm cách phục hồi, nhiều cơ sở lại phải đối mặt với nỗi lo phá sản, nếu phải di dời cơ sở từ phía Nam lên phía Bắc theo Quyết định số 3210 của tỉnh Bình Dương để tránh ô nhiễm.
Một cơ sở sản xuất gm Bình Dương. |
Theo đại diện Hiệp hội gốm Bình Dương cho biết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô gia đình nên mô hình quản lý còn theo kiểu truyền thống, chưa bắt kịp xu hướng, dễ chịu tác động bởi thị trường. Trong hai quý đầu năm 2023 các doanh nghiệp hầu như không có đơn hàng mới, chỉ có một số đơn từ năm trước. Quý III bắt đầu có đơn hàng nhưng số lượng chỉ bằng 50% cùng kỳ. Số lượng lao động trong ngành gốm sứ giảm khoảng 30%, trong đó có nhiều lao động có tay nghề. Đây là trăn trở lớn của người làm gốm vì lao động có tay nghề phải qua quá trình đào tạo dài, yêu thích thủ công mỹ nghệ. Các doanh nghiệp lo lắng khi đơn hàng trở lại sẽ khó tuyển lao động chất lượng.
Khó khăn khác của nghề gốm sứ là việc di dời các doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp theo chủ trương của tỉnh. Theo hiệp hội, việc di dời gặp khó khăn do thiếu thợ có tay nghề cao. Đa số lao động gắn bó lâu năm và định cư ở nơi sản xuất cũ. Khó khăn về vốn di dời, xây dựng nhà máy mới cũng được trình bày với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Nỗ lực “đánh thức” làng nghề truyền thống
Trước đó, tại buổi khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp gốm sứ, cơ sở sơn mài trên địa bàn tỉnh ngày 15/9, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao và bày tỏ khâm phục những ý tưởng độc đáo, sáng tạo thể hiện bằng các tác phẩm công phu hoành tráng của các nghệ nhân gốm sứ, sơn mài. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, cơ sở, cảm ơn sự kiên trì của các doanh nghiệp tiếp tục duy trì và bảo tồn các ngành nghề truyền thống của Bình Dương, đưa sản phẩm truyền thống của Bình Dương vươn xa không chỉ trong nước mà còn tỏa khắp các thị trường trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy đã yêu cầu Văn phòng Tỉnh ủy nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc; đề nghị Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp nghiên cứu hệ thống luật, quy định để tham mưu chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao và bày tỏ khâm phục những ý tưởng độc đáo, sáng tạo thể hiện bằng các tác phẩm công phu hoành tráng của các nghệ nhân gốm sứ, sơn mài |
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Công thương cùng bàn chính sách riêng, đặc thù để hỗ trợ các ngành nghề truyền thống về đất đai, vốn, xúc tiến thương mại và đầu tư… để duy trì các ngành nghề truyền thống; đặc biệt cần tổ chức các buổi làm việc, thông tin với doanh nghiệp để tổ chức di dời doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp một cách chặt chẽ, thân trọng.
Ông Nguyễn Văn Lợi mong muốn phát triển các showroom, phòng trưng bày của doanh nghiệp trở thành "bảo tàng" sản phẩm truyền thống; đồng thời nghiên cứu ý tưởng đầu tư con đường gốm sứ, sơn mài góp phần giới thiệu quảng bá các công trình, tác phẩm nghề truyền thống của tỉnh; đưa các ngành nghề truyền thống vào trường học; kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở với các trường nghề trong công tác đào tạo. Ngoài ra, các nghề này cũng có thể gắn liền với các trường học, trường nghề, mở các buổi giới thiệu, trải nghiệm cho học sinh, sinh viên.
Đối với đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một", Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị các Sở, ngành, thành phố Thủ Dầu Một rà soát lại để đảm bảo đầu tư có hiệu quả; trong đó chú ý đến các nội dung chính sách phát triển nghề truyền thống, để chính những người làm nghề truyền thống vừa sản xuất, vừa bảo tồn và phát huy.