"Dành cả tuổi thanh xuân” để “cõng chữ lên non”...
Trăng Xanh chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng cao Chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng cao phía Bắc Xây cầu bản Mọc tặng người dân vùng cao |
Nghề dạy học là nghề vinh quang, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Đối với những giáo viên vùng cao, phải sống xa gia đình, người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì bám trụ ở các thôn, bản xa xôi, để cho giấc mơ con chữ, của học trò vùng cao, được trọn vẹn.
Nói về những khó khăn, gian khổ và cả những nghĩ suy, trăn trở cùng tình yêu tha thiết với học trò của của thầy cô giáo vùng cao, Báo Tuổi trẻ Thủ đô giới thiệu loạt bài viết: “Dành cả thanh xuân” để “cõng chữ lên non”...
Bài 1: Chính sách đối với giáo viên vùng cao:
Ban hành nhiều nhưng vẫn manh mún và khó thực thi
Mùa heo may lại về, mảnh đất Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên chuyển lạnh. Vùng non cao bao giờ cũng thế, rét hơn, khắc nghiệt hơn nhiều so với đồng bằng và nhiều tỉnh thành khác. Đàn em thơ, học trò nghèo với những đôi chân trần, thiếu cả manh áo ấm đến trường. Hình ảnh đó đã quen lắm với cô giáo Lò Thị Thầm (sinh năm 1992), người dân tộc Thái.
Bỏ con cho ông bà
Gần 6 năm nay cô giáo 9X gắn bó với công tác giảng dạy ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tây Bắc, được biết huyện Tủa Chùa thi tuyển viên chức, chị Thầm đã nộp hồ sơ và được tuyển dụng, giảng dạy bộ môn Địa lí tại trường PTDTBT - THCS Sín Chải.
Đây là một ngôi trường hoàn toàn xa lạ đối với cô gái trẻ khi ấy, bởi chị chưa từng đặt chân đến mảnh đất heo hút này. Tuy nhiên, là một người con sinh ra và lớn lên ở miền núi, chị thấu hiểu cái đói nghèo nơi đây. Được sự động viên của gia đình, bằng tình yêu thương con trẻ, chị Thầm đã quyết tâm “bám trường” mang con chữ đến các em học sinh vùng khó này. Bắt đầu từ những ngày đầu tiên nhận công tác, chị luôn phải đối diện với rất nhiều những khó khăn, vất vả.
Giữa núi rừng Tây Bắc bạt ngàn, cô giáo Lò Thị Thầm kể: Cơ sở vật chất ở đây thiếu thốn, đường đến trường của các em học sinh gian nan lắm. 100% học sinh là con em người dân tộc Mông, trình độ nhận thức hạn chế. Trong khi đa phần phụ huynh không mặn mà với con chữ. Nếu không có lòng quyết tâm, những khó khăn này sẽ là trở ngại lớn đối với cô giáo trẻ và giáo viên sẽ nản lòng khi công tác ở vùng sâu, vùng xa.
Cô giáo Lò Thị Thầm |
Chị cho biết thêm: “Nhiều em học sinh ở nhà cách trường quá xa, phải đi bộ hơn chục cây số mới tới được lớp. Ở một số thôn bản vẫn chưa có điện, nơi điện thoại không có sóng, không thể gọi cho phụ huynh để trao đổi vấn đề liên quan đến các em. Một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của các con, phó mặc hoàn toàn cho giáo viên và nhà trường, thậm chí có những hôm, nửa đêm nghe học sinh ốm, chúng tôi phải xuống đưa thuốc, thăm nom thay người thân”.
Bản thân cô giáo Thầm gia cảnh cũng khó khăn. Nhà cách trường gần 100km nên bắt buộc chị phải thuê trọ. Chồng đi làm xa. Con nhỏ, chị nhờ ông bà chăm sóc. Dạy học trò ở trường cả tuần, ngày nghỉ chị mới về thăm con.
“Những năm công tác ở đây, cô giáo 9X không thể nhớ nổi hết tháng ngày vất vả cùng với Ban Giám hiệu nhà trường xuống các thôn bản để tuyên truyền, vận động học trò không bỏ học giữa chừng. Có những lần đi bản xe bị thủng săm giữa đường, phải gửi xe ở nhà dân. Có lúc, các thầy cô phải lên tận nương để tìm gặp động viên các em”, cô giáo trẻ nói.
Nhiều hỗ trợ nhưng vẫn còn “rối” lắm!
Hiểu được những gian nan vất vả của đội ngũ giáo viên vùng cao, vùng khó khăn, từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với giáo viên vùng cao thế nhưng nhiều quy định lại đang rơi vào tình trạng “khó khăn không thể thực hiện được”.
Đơn cử, theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20.6.2006 của Chính phủ và các nghị định sửa đổi bổ sung, văn bản hợp nhất về chính sách đối với cán bộ, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian được luân chuyển là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam.
Cô giáo vùng cao với học trò thân yêu |
Hết thời hạn công tác nói trên, cán bộ, giáo viên được cơ quan có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển hoặc tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng.
Đồng thời, các văn bản này cũng quy định, nếu hết thời hạn nói trên, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tình nguyện ở lại tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài thì được xét để cấp đất làm nhà, làm kinh tế trang trại, kinh tế gia đình và được vay vốn với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm…
“Quy định là thế nhưng theo các giáo viên vùng cao họ không thể thực hiện được những “ưu đãi do chính sách nhà nước ban hành”. Hết thời hạn công tác đi vùng cao, họ không có chỗ để về. Chúng ta chỉ có chính sách cho người từ vùng khó khăn trở về nhưng lại chưa có chính sách cho người từ vùng thuận tiện phải luân chuyển công tác lên vùng khó, vì thể Nghị định số 61/2006/NĐ-CP vẫn chỉ nằm trên giấy”, một nhà giáo công tác lâu năm tại vùng cao Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết.
“Việc thực hiện luân chuyển khi giáo viên, cán bộ quản lý có đủ điều kiện hầu như không thể thực hiện. Với giáo viên “khi chẳng có chỗ để về” họ tình nguyện ở lại tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài.
Theo quy định được xét để cấp đất làm nhà, làm kinh tế trang trại, kinh tế gia đình và được vay vốn với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm… nhưng để làm được việc này, họ phải được “đủ các cấp chính quyền cho phép bằng hồ sơ, văn bản. Vùng núi heo hút đi vài ngày đường mới tới được các cơ quan công quyền, chưa kể các thủ tục hành chính nhiều nơi còn rất rườm rà…nên giấc mơ “an cư để lập nghiệp” của không ít nhà giáo vẫn còn là xa vời”, nhà giáo này cho hay.
(Còn nữa)