Đảm bảo ATM không quá tải trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đảm bảo ATM không quá tải trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020
Bài liên quan
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không để ATM hết tiền dịp Tết
Hà Nội: Phẫn nộ nam thanh niên đã tranh rút tiền còn hành hung phụ nữ tại cây ATM
Giao dịch thẻ và ngân hàng điện tử an toàn dịp Tết
Xử phạt ngân hàng nếu để ATM thiếu tiền, không hoạt động
Nhằm đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, đúng quy định, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian quyết toán năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành văn bản số 9722/NHNN-TT. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai các công việc sau:
Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ATM, đảm bảo an toàn và thông suốt. Các ngân hàng cần có biện pháp phù hợp giảm tải cho ATM tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng quá tải.
Các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần chủ động làm việc với doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý, thưởng Tết bằng tiền mặt. Tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp nhằm giảm việc rút tiền mặt tại các ATM.
Các ngân hàng phải tăng cường biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bất hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thanh toán, ngăn chặn và xử lý kịp thời giao dịch gian lận, giả mạo, trái pháp luật…
Cùng với đó, các ngân hàng phải thực hiện tốt công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước theo quy định. Các đơn vị hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng về quy trình, thủ tục thu nộp ngân sách qua dịch vụ ngân hàng điện tử, hệ thống ATM, POS. Kiểm tra, rà soát hệ thống hạ tầng, kỹ thuật để đảm bảo hệ thống máy móc, thiết bị, đường truyền kết nối vận hành ổn định, thông suốt phục vụ tốt cho công tác thanh toán.
Ngoài ra, ngân hàng cũng cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán xử lý nhanh và triệt để các khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính nhằm hạn chế các sự cố kỹ thuật, đường truyền, đảm bảo giao dịch liên ngân hàng thông suốt, ổn định.
Mặt khác, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động theo dõi phản ánh của dư luận, báo chí về những vấn đề phát sinh hoạt động thanh toán liên quan đến đơn vị mình để có biện pháp xử lý hoặc phản hồi thỏa đáng, kịp thời.
Cũng tại văn bản này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại thực hiện theo dõi, đối chiếu hàng ngày, đảm bảo số dư trên tài khoản được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư tại cùng một thời điểm; kiểm tra, đối chiếu đảm bảo khớp đúng với số liệu giao dịch trên tài khoản đảm bảo thanh toán với ngân hàng.
Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống hạ, tầng kỹ thuật và theo dõi, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động chuyển mạch tài chính an toàn, thông suốt và ổn định.
Đồng thời, bố trí và quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm chế độ trực vận hành hệ thống kỹ thuật; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên theo dõi, phát hiện, xử lý các sai sót, sự cố phát sinh và kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Thanh toán). Nhanh chóng rà soát và phản hồi kịp thời các phản ánh, khiếu nại, đối với các giao dịch liên ngân hàng…