Đắk Nông: Hàng loạt doanh nghiệp bị “hành” bởi một biển cấm tải trọng tự phát?
Biển báo không có quyết định cắm đang "hành" hàng loạt doanh nghiệp lưu thông qua đường ĐH 63
Bài liên quan
Đắk Nông: Hàng loạt doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật bị xử phạt
Vụ sai phạm tại Ban QLDA CTGT - Bài 2: Khó xử lý cán bộ sai phạm hành chính vì chưa có chế tài?
Long An: Xử lý hàng loạt sai phạm tại Ban Quản lý dự án Công trình giao thông
Nguyên nhân do đâu?
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp khai thác, vận tải, kinh doanh cát trên địa bàn huyện Krông Nô cho biết, từ nhiều tháng qua, các xe chở cát của các doanh nghiệp khai thác cát dọc theo tuyến đường Thôn 2 Quảng Phú - Tỉnh lộ 4 (đường ĐH 63) thuộc xã Quảng Phú, huyện Krông Nô liên tục bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý tải trọng, mặc dù tuyến đừng này chưa có quyết định cắm biển cấm tải trọng.
Được biết, đường ĐH 63 là tuyến đường giao thương giữa huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) với QL 28 thuộc tỉnh Đắk Nông. Tuyến đường có chiều dài khoảng 6km, trong đó có khoảng 1,2km là đường nhựa (phía gần cầu Nam Ka), phần đường còn lại dài 4,8km, kết cấu mặt đường bằng bê tông. Tuyến đường này do Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Krông Nô làm chủ đầu tư với tổng vốn là 8,7 tỷ đồng. Nguồn vốn này lấy từ ngân sách Nhà nước và vận động hỗ trợ từ các doanh nghiệp khai thác cát dọc theo tuyến đường này.
Theo các doanh nghiệp khai thác, vận chuyển cát dọc tuyến đường ĐH 63 cho biết, khi tiến hành xây dựng tuyến đường này, chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ vật tư cát, tiền và được các doanh nghiệp này nhiệt tình ủng hộ.
Ngay khi tuyến đường hoàn thành, các doanh nghiệp còn ký cam kết, thống nhất và đảm bảo với chính quyền địa phương về việc duy tu, sửa chữa tuyến đường khi hư hỏng xảy ra trong quá trình khai thác vận chuyển cát.
Tuy nhiên, thời gian gần đây các xe tải chở cát của các doanh nghiệp khai thác, vận chuyển cát trên tuyến đường này liên tục bị các cơ quan chức năng “soi” về trọng tải, lực lượng Cảnh sát giao thông lập chốt để kiểm tra, xử phạt.
Theo các doanh nghiệp cho biết, việc bị “hành” chỉ xảy ra từ khi họ rời khỏi Hợp tác xã (HTX) do ông Nguyễn Đức Tuyên thành lập, điều hành. Được biết, ông Tuyên là người nắm giữ 50% cổ phần tại Công ty TNHH Xuân Bình – một doanh nghiệp khai thác cát bị nhiều người dân phản ánh gây sạt lở nghiêm trọng tại sông Krông Nô. Đồng thời, ông Tuyên cũng là chủ mỏ cát Trung Tuấn, đóng tại địa phương.
“Hiện quanh khu vực các doanh nghiệp được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép khai thác cát trên sông Krông Nô chỉ có duy nhất con đường độc đạo ĐH 63 để lưu thông, vận chuyển cát. Do đó, việc bị cấm tải trên 10 tấn tại tuyến đường này chính là bít luôn cửa làm ăn của chúng tôi. Các doanh nghiệp chúng tôi mong muốn, chính quyền địa phương xem xét xử lý, tháo gỡ vấn đề này để giúp doanh nghiệp tiếp tục làm ăn, trang trải nợ nần”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc cho biết.
Trong đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng, DNTN Quỳnh Mai cho biết từ thời điểm bắt đầu hoạt động độc lập, tách ra khỏi HTX thì xe ra vào bến của doanh nghiệp để lấy cát bị các lực lượng chức năng kiểm tra rất gắt gao, thậm chí còn cấm luôn xe có trọng tải từ 10 tấn trở lên đi vào chi nhánh doanh nghiệp này để lấy cát.
Cùng “cảnh ngộ” với DNTN Quỳnh Mai, Doanh nghiệp Văn Hồng cũng bức xúc: “Từ khi bị cấm vận, chúng tôi phải bỏ rất nhiều chi phí cho việc chở cát ra bãi tập kết tại QL 28. Điều này khiến giá bán của chúng tôi buộc phải tăng, việc bán cát càng trở nên khó khăn hơn”.
Ngoài ra, còn doanh nghiệp khác cũng phản ánh tương tự.
Một đoạn đường 2 biển cấm khác nhau?
Theo quan sát của Phóng viên, trên tuyến đường này (đoạn giao nhau từ QL 28 đi vào Thôn 2) xuất hiện 2 biển báo giao thông nằm cạnh nhau, nhưng kỳ lạ ở chỗ, 2 biển báo không đồng nhất về giới hạn cho phép về trọng tải của xe. Trong đó, biển màu xanh ghi “Đường Thôn 2 Quảng Phú – Tỉnh lộ 4 (ĐH 63); Tổng chiều dài 6km, trọng tải cho phép: 13 tấn (cả xe và hàng)…”.
Cách đó không xa, một biển hiệu khác lại ghi giới hạn tải trọng xe cho phép là 10 tấn (ghi theo quy chuẩn 41:2016/BGTVT, thuộc số hiệu biển báo P.115 – hạn chế toàn bộ tải trọng xe). Như vậy, ở đây biển báo nào đúng? Cơ quan chức năng căn cứ vào đâu để cắm các biển này và kiểm tra xử phạt xe quá tải trọng?
UBND huyện Krông Nô có đang né tránh việc phản hồi thông tin báo chí? |
Đáng nói hơn, khi xác minh về vấn đề tải trọng của đường ĐH 63, Phóng viên được đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông (Sở GTVT) cho biết, đơn vị chưa từng ký bất cứ quyết định nào liên quan tới việc cắm biển này. Về việc cắm biển báo tại tuyến đường trên, đại diện Sở GTVT cho rằng, biển này có thể do đơn vị làm đường hoặc UBND huyện cắm, và đó không phải là trọng tải của đường QL 28 mà là trọng tải của đường dân sinh hoặc đường liên thôn, liên xã do UBND huyện, UBND xã cắm.
“Trên tuyến QL 28 hiện nay, trước đây là Tỉnh lộ 4, thì tuyến đường đấy, nơi có biển cắm 10 tấn là chỉ để phục vụ cho tuyến đường đi vào Thôn 2, không phục vụ cho tuyến QL 28… Đó là đường liên thôn, liên xã, đường của huyện thì do huyện chủ trì phối hợp thực hiện giát sát, kiểm tra. Còn Sở Giao thông chỉ làm đường tỉnh lộ, quốc lộ…”, đại diện Sở GTVT khẳng định.
Liên quan tới các vấn đề trên, ngày 23/4, Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với UBND huyện Krông Nô để xác minh thông tin nhưng đến nay đơn vị này vẫn không có bất cứ phản hồi nào. Liên hệ qua điện thoại đề nghị sắp xếp buổi làm việc thì Chánh Văn phòng huyện này cho biết, hiện Chủ tịch huyện đang đi học lớp quản lý cấp huyện tại TP Hồ Chí Minh. Còn Phó Chủ tịch phụ trách hiện đang đi học đối tượng 2 tại Đà Nẵng nên không thể làm việc về các nội dung báo đề nghị.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.