“Đại gia” Bình Thuận rời “ghế” cổ đông lớn của VietABank
Cổ phiếu vừa lên sàn, “đại gia” Bình Thuận muốn rút hết vốn khỏi VietABank Cổ phiếu VietABank tăng kịch trần trong ngày đầu lên sàn UPCoM |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc Công ty Cổ phần Rạng Đông không còn là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).
Theo đó, Tập đoàn Rạng Đông đã giảm sở hữu cổ phiếu VAB từ 32,69 triệu đơn vị, tương đương 7,35% vốn của VietABank xuống còn 21,72 triệu cổ phiếu, tương đương 4,88% vốn, qua đó không còn là cổ đông lớn của ngân hàng.
Như vậy, số cổ phiếu đã bán là 10,96 triệu đơn vị. Ngày Tập đoàn Rạng Đông không còn là cổ đông lớn của VietABank là 26/7.
Theo dữ liệu giao dịch, trong phiên 26/7, có 10,96 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận, đúng với số lượng cổ phiếu mà Tập đoàn Rạng Đông bán được với giá 17.100 đồng/đơn vị, tương đương giá trị giao dịch gần 188 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 20/7, gần 445 triệu cổ phiếu VAB bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng/đơn vị. Sau 3 phiên tăng điểm mạnh, cổ phiếu VAB đã tăng lên mức giá 22.800 đồng/đơn vị.
Tuy nhiên, sang phiên thứ tư khi áp lực bán tăng mạnh, cổ phiếu VAB theo đó giảm kịch sàn với dư bán giá sàn lên đến cả triệu đơn vị. Sang đến phiên 26/7, cổ phiếu VAB tiếp tục nằm sàn và cho đến nay giá VAB đang được giao dịch tại mức 16.800 đồng/đơn vị.
Một phòng giao dịch của VietABank |
Ngân hàng Nhà nước trước đó đã chấp thuận đề nghị của VietABank về việc chuyển nhượng gần 32,7 triệu cổ phiếu VAB, tương đương 7,35% vốn tại ngân hàng do Tập đoàn Rạng Đông sở hữu.
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, VietABank phải tuân thủ pháp luật và điều lệ về sở hữu và chuyển nhượng cổ phần, có trách nhiệm pháp lý với các phát sinh liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn Rạng Đông.
Theo tìm hiểu, VietABank được thành lập tháng 5/2003 dựa trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tín dụng là Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng, với số vốn điều lệ ban đầu gần 76 tỷ đồng.
Từ khi hoạt động đến nay, VietABank đã có 18 lần tăng vốn điều lệ từ mức gần 76 tỷ đồng lên gần 4.450 tỷ đồng bằng các hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho cổ đông chiến lược, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, trái phiếu chuyển đổi.
Tính đến ngày 25/6/2021, Tập đoàn Rạng Đông với mức vốn sở hữu khoảng 7,35% là một trong hai cổ đông lớn duy nhất của VietABank, bên cạnh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương sở hữu 12,21% vốn.
Như vậy, sau khi Tập đoàn Rạng Đông thoái vốn thì có thể VietABank chỉ còn một cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.
Về kết quả kinh doanh, năm 2020, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 407,4 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2019.
Tại thời điểm cuối tháng 12/2020, dư nợ cho vay khách hàng của VietABank đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm; số dư tiền gửi của khách hàng đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% so với cuối năm 2019. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của VietABank đạt 86,5 nghìn tỷ đồng
Về chất lượng nợ vay, tại ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của VietABank ở mức 1.111 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng hơn 10 lần từ mức 46,6 tỷ đồng lên 507,1 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 71,6%, từ mức 86,5 tỷ đồng lên 148,5 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 22,7% lên 456,1 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,18% lên 2,29%.