Cổ phiếu vừa lên sàn, “đại gia” Bình Thuận muốn rút hết vốn khỏi VietABank
Cổ phiếu VietABank tăng kịch trần trong ngày đầu lên sàn UPCoM VietABank “ôm” khối nợ xấu tăng đột biến lên sàn UPCoM |
Ngân hàng Nhà nước vừa có ý kiến phản hồi việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã CK: VAB).
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề nghị của VietABank về việc chuyển nhượng gần 32,7 triệu cổ phiếu VAB, tương đương 7,35% vốn tại ngân hàng do Công ty Cổ phần Rạng Đông sở hữu.
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, VietABank phải tuân thủ pháp luật và điều lệ về sở hữu và chuyển nhượng cổ phần, có trách nhiệm pháp lý với các phát sinh liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Rạng Đông.
Ảnh minh họa |
Trường hợp phát sinh bên nhận chuyển nhượng trở thành cổ đông lớn của VietABank hoặc bên nhận chuyển nhượng là cổ đông lớn của ngân hàng hoặc nhà đầu tư nước ngoài, nhà băng phải thực hiện đúng các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu VietABank phải phối hợp với Công ty Cổ phần Rạng Đông thông tin đầy đủ tới các nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần, cổ đông phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn nhận chuyển nhượng cổ phần tại VietABank.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để nhận chuyển nhượng cổ phần của VietABank; không được góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, VietABank được thành lập tháng 5/2003 dựa trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tín dụng là Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng, với số vốn điều lệ ban đầu gần 76 tỷ đồng. Ngân hàng này từng dính lùm xùm liên quan đến việc cán bộ cấu kết với đối tượng lừa đảo rút hàng chục tỷ đồng của khách hàng.
Từ khi hoạt động đến nay, VietABank đã có 18 lần tăng vốn điều lệ từ mức gần 76 tỷ đồng lên gần 4.450 tỷ đồng bằng các hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho cổ đông chiến lược, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, trái phiếu chuyển đổi.
Với số vốn điều lệ gần 4.450 tỷ đồng, cổ đông lớn hiện đang sở hữu 12,21% vốn của VietABank là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) của ông Phương Hữu Việt.
Bên cạnh đó, VietABank còn có một cổ đông lớn khác là Công ty Cổ phần Rạng Đông (sở hữu 7,35% vốn điều lệ), đây là một tập đoàn đa ngành được đánh giá là lớn nhất tại Bình Thuận.
Trên thị trường chứng khoán, VietABank vừa chính thức giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 20/7/2021. Sau ba phiên tăng mạnh thì đến phiên thứ tư, cổ phiếu VAB đã nằm sàn với giá 20.100 đồng/cổ phiếu.
Năm 2020, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 407,4 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2019. Tại thời điểm cuối tháng 12/2020, dư nợ cho vay khách hàng của VietABank đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm; số dư tiền gửi của khách hàng đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% so với cuối năm 2019. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của VietABank đạt 86,5 nghìn tỷ đồng Về chất lượng nợ vay, tại ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của VietABank ở mức 1.111 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng hơn 10 lần từ mức 46,6 tỷ đồng lên 507,1 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 71,6%, từ mức 86,5 tỷ đồng lên 148,5 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 22,7% lên 456,1 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,18% lên 2,29%. |