Đa số người dân ủng hộ đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã
Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ buôn bán động vật hoang dã; Ảnh: Lưu Thu Phương |
Buôn bán động vật hoang dã khiến môi trường tự nhiên suy thoái
Báo cáo của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên WWF cũng cho thấy người tham gia phỏng vấn tại Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ những biện pháp giải quyết tận gốc đại dịch Covid-19 và những dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật có khả năng bùng phát trong tương lai do săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp.
Theo đó, có khoảng 90% trong số 1.000 người được hỏi, nói rằng họ có sẽ ủng hộ những nỗ lực của chính phủ và các bộ ngành liên quan đóng cửa các thị trường và nhà hàng bán động vật hoang dã bất hợp pháp và thiếu kiểm soát.
Khảo sát cũng cho thấy, có 91% số người được hỏi đều ủng hộ với việc đóng cửa những nhà hàng bán động vật hoang dã phi pháp và không được quản lý. Họ cũng sẵn sàng hỗ trợ những động thái và nỗ lực đó bằng cách chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (56%), dừng việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã (49%) và thuyết phục người khác không ăn thịt động vật hoang dã không dùng sản phẩm từ động vật hoang dã (49%).
Đáng báo động là có khoảng 15% người được hỏi nói rằng họ hoặc người quen của họ đã mua sản phẩm động vật hoang dã từ chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng vừa qua. Ở quy mô quốc gia, con số này đồng nghĩa với việc hàng ngày có rất nhiều tương tác giữa động vật hoang dã và con người, mang lại những rủi ro tiềm ẩn. Những rủi ro này hoàn toàn có thể được giảm thiểu bằng cách đóng cửa các cửa hàng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Tuy nhiên, có một sự thay đổi đang diễn ra khi 82% người được hỏi trả lời rằng họ sẽ không mua sản phẩm động vật hoang dã từ những khu chợ đó trong tương lai. Để giảm thiểu những dịch bệnh bùng phát trong tương lai và bảo đảm các loài hoang dã được sống ở nơi chúng thuộc về - thiên nhiên, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ do tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã gây ra, cũng như ban hành các chính sách phù hợp và tăng cường thực thi pháp luật.
Tổng Giám đốc Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên WWF quốc tế, ông Marco Lambertini cho biết: “Đây chính là lúc chúng ta cần xâu chuỗi các vấn đề lại với nhau: buôn bán động vật hoang dã, môi trường tự nhiên suy thoái và những rủi ro đối với sức khỏe của con người. Chúng ta cần phải hành động ngay vì chính sự sống còn của tất cả: vì con người, vì rất nhiều loài động vật hoang dã đang bị đe dọa bởi nạn buôn bán và tiêu thụ”.
Việt Nam đã hành động kịp thời và quyết đoán
Trước tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã đang diễn biến ngày càng phức tạp tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công văn yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp cùng với các bộ liên quan, soạn thảo khẩn cấp một Chỉ thị nghiêm cấm việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trên cả nước.
Hành động kịp thời và quyết đoán này cho thấy sự quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đây cũng là một cơ hội để chính phủ Việt Nam thể hiện vai trò đi đầu của mình trong khu vực trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và trong việc ngăn chặn những dịch bệnh bắt nguồn từ động vật có thể bùng phát trong tương lai thông qua chấm dứt buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ, nghiêm cấm việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trên cả nước, TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam cho rằng: Cùng với đại dịch Covid-19 hiện nay, có ít nhất 61% các bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật. Việc buôn bán động vật hoang dã đã làm gia tăng nguy cơ bùng phát của các bệnh này. Những dịch bệnh tương tự gần đây như SARS, MERS và Ebola cũng bắt nguồn từ các loại virus có ở động vật và lây truyền sang người.
“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những hành đồng khẩn cấp để chấm dứt các bệnh truyền nhiễm từ động vật trong tương lai. WWF sẵn sàng làm việc với chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan để thực thi Chỉ thị này và chấm dứt nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã”, TS. Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là mối đe doạ lớn thứ hai đối với mất đa dạng sinh học trên toàn cầu, chỉ đứng sau mất sinh cảnh. Kể từ 1970 tới nay, thế giới đã mất đến 60% quần thể các loài động vật có xương sống. Do đó, cộng đồng cần chung tay, lên tiếng để bảo vệ, ngăn chặn tiến tới chấm dứt nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |