Đà Nẵng: Tàu cá ngư dân khẩn trương vào cảng tránh trú bão
Hàng trăm tàu cá của ngư dân miền Trung đã về đến bờ, neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng (Ảnh Đ.Minh) |
Trưa 26/10, tranh thủ trời đang ngớt mưa, tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), hàng trăm chiếc tàu của ngư dân miền Trung đã vào neo đậu kín; có rất nhiều tàu, thuyền, ghe, thúng được cẩu lên nằm dọc vỉa hè tuyến đường Hoàng Sa, chằng néo để đảm bảo an toàn.
Theo đó, hầu hết các tàu vào âu thuyền đều là tàu có công suất lớn. Các ngư dân đã khẩn trương cho thuyền cập bến Âu thuyền Thọ Quang để tránh bão sau những ngày vươn khơi.
Cơn bão số 6 được đánh giá là cơn bão có đường đi khá phức tạp nên để tránh bị thiệt hại về tài sản các chủ tàu đều di chuyển tàu vào âu thuyền để neo đậu cẩn thận.
Nhiều ngư dân khẩn trương gia cố tàu thuyền nhằm giảm thiểu nguy cơ hư hỏng, đảm bảo an toàn cho tài sản khi bão đổ bộ (Ảnh Đ.Minh) |
Ngư Trần Phú Tiến (56 tuổi) với 35 năm kinh nghiệm đi biển (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, nhận được thông tin về diễn biến của bão số 6 ông đã quyết định đưa tàu trở về cảng cá Thọ Quang, kết thúc chuyến biển sớm hơn dự kiến đến một nửa thời gian.
“Vừa nghe tin báo đây là cơn bão mạnh, là chúng tôi cho tàu chạy luôn vào bờ. Tàu hành nghề khai thác cá chuồn, mùa này ở quần đảo Hoàng Sa đang trúng luồng cá chuồn nhưng để đảm bảo an toàn cho các thuyền viên, thay vì tránh trú các đảo, chúng tôi chạy luôn vào bờ.
Tàu chúng tôi may mắn đã ra khơi được gần 30 ngày, cá cũng gần đầy hầm đông lạnh nên anh em ráng bốc cá bán cho hết để có tiền lời, còn nhiều tàu khác phải quay về sớm hơn thì hao tốn chi phí hơn” ông Tiến cho hay.
Ngư dân thả neo, dùng dây thừng buộc chặt tàu để tránh va đập khi gió bão (Ảnh Đ.Minh) |
Trên bờ biển, dưới cảng ngư dân đang khẩn trương kiểm tra, giằng néo dây buộc tàu, che phủ ngư cụ để đảm bảo an toàn trong bão. Bên cạnh đó, nhiều chủ thuyền còn dùng lốp ô tô buộc vào thuyền để tránh va đập trong trường hợp sóng to, gió lớn.
Qua tìm hiểu của phóng viên, giá xe cẩu đưa tàu thuyền lên bờ sẽ tùy vào thuyền lớn nhỏ, giao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/lượt cẩu.
Các ngư dân vào tránh bão cho hay, sau khi bán cá cho thương lái xong sẽ cho tàu vào khu trú bão an toàn. Anh Nguyễn Trọng Hiếu (đến từ Bình Định) thuyền viên tàu BĐ - 4090xxTS cho biết “từ chiều 25/10, chủ tàu cho các bạn thuyền nghỉ ngơi chờ đến khi thời tiết trên biển êm trở lại thì tàu cá tiếp tục vươn khơi bám biển. Tranh thủ thời gian nghỉ, anh em mua thêm đồ dùng, rau củ quả chất lên tàu.
Dù chưa khai thác hết chuyến biển, tuy nhiên, khi nắm thông tin về đường đi của cơn bão số 6, anh em chạy về cảng bán cá, neo tàu rồi nghỉ. Chuyến biển này đánh được mẻ cá nục hơn 5 tấn đưa vào bán với giá 25.000 đồng/kg.
Sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên trên tàu cũng kiếm được vài triệu đồng. Việc cơ quan chức năng chủ động thông báo, hướng dẫn tàu cá vào nơi tránh bão giúp chúng tôi bảo vệ được tính mạng cũng như tài sản của mình” anh Hiếu nói.
Cơn bão số 6 được dự báo rất phức tạp, nên các ngư dân cũng hết sức cảnh giác, không chủ quan (Ảnh Đ.Minh) |
Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã thống kê được 1.155 phương tiện/8.276 lao động neo đậu tại các bến (Ảnh Đ.Minh) |
Đến nay, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã thống kê được 1.155 phương tiện/8.276 lao động neo đậu tại các bến. Hiện 4 tàu thuyền với 40 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông báo di chuyển tránh bão.
Trước đó, ngày 24/10, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành công điện về việc ứng phó với bão gần biển Đông. Theo đó, thành phố đề nghị các sở, ban ngành, quận huyện, lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan chủ động theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến thiên tai có thể xảy ra để kịp thời ứng phó theo các phương án đã chuẩn bị.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng khẩn trương thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Đồng thời phối hợp với Cảng vụ Đà Nẵng, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực II và các đơn vị liên quan sẵn sàng phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Trước đó, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng tổ chức rà soát, đẩy nhanh tiến độ cắt tỉa cây xanh phòng, chống bão |
Cùng với đó, Công an TP Đà Nẵng phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cùng UBND các địa phương bố trí lực lượng thường trực phòng cháy chữa cháy đối với tàu thuyền khi neo đậu tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, không để xảy ra cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản của nhà nước và Nhân dân.
Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu các quận, huyện triển khai ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân; triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước; khẩn trương hoàn thành chằng chống và tỉa cây xanh đường phố…
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 510km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14. Di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 20km/h. Dù đổ bộ đất liền hay ngược ra biển, bão Trà Mi vẫn sẽ gây mưa lớn dữ dội cho các tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên, trọng tâm mưa là Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Mưa bắt đầu từ chiều tối và đêm nay (26/10), có thể kéo dài đến 28/10. |