Cuống cuồng tìm giải pháp tiết kiệm
Cán bộ Điện lực Hoàn Kiếm (EVN HANOI) tuyên truyền giải pháp tiết kiệm điện tới người dân.
Bài liên quan
Cùng hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2019
Đảm bảo cung ứng điện an toàn tuyệt đối phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội
Quyền lợi của khách hàng sử dụng điện được đảm bảo
EVN HANOI lý giải vì sao tiền điện tháng 2/2019 tăng cao
Rộn ràng trên công trình ngay những ngày đầu xuân 2019
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh gửi thư cảm ơn EVN HANOI
Lan tỏa phong trào tiết kiệm điện
Thống kê của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội cho thấy, hiện nay lượng điện tiêu thụ tại các hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội chiếm khoảng 54% tổng lượng điện thương phẩm toàn thành phố. Với lượng điện năng tiêu thụ lớn như vậy, nếu nhóm đối tượng này thực hành các biện pháp tiết kiệm điện sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện năng. Vì thế, những năm vừa qua thành phố đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức tiết kiệm điện của mỗi người dân như: Phong trào hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; chiến dịch “Giờ trái đất”…
Tại quận Đống Đa (Hà Nội), người dân sinh sống trên địa bàn đã tham gia phong trào hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng từ nhiều năm nay. Hầu hết người dân đều coi việc tiết kiệm năng lượng là hành động thiết thực. Nhiều gia đình đã đầu tư các trang thiết bị và đã tiết kiệm được gần 40% lượng điện tiêu dùng.
Đơn cử như trường hợp gia đình ông Trần Văn Hùng (ở Quốc Tử Giám, Đống Đa). Gia đình ông Hùng tham gia phong trào tiết kiệm điện được 7 năm nay và ông rất hài lòng bởi chi phí giảm rõ rệt. Để tiết kiệm điện, các thiết bị điện trong nhà ông đều được thay thế dần bằng thiết bị tiết kiệm hơn và có dán nhãn tiết kiệm điện… Đồng thời, các thành viên trong gia đình ông rất ý thức trong việc “ra tắt, vào bật” đối với ánh sáng cũng như đóng ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Nhờ đó, chi phí tiền điện hàng tháng của gia đình giảm từ 20% - 30%.
Không chỉ các hộ dân ở khu vực thành thị mà ngay cả người dân ở vùng nông thôn cũng đẩy mạnh phong trào tiết kiệm điện. Đặc biệt, đối với các hộ dân làm mô hình kinh tế trang trại, mọi người đều thực hiện một số quy tắc cơ bản trong quy hoạch chuồng trại, chọn mua và sử dụng thiết bị tiết kiệm điện.
Chị Đồng Thị Lan (ở Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Gia đình có trang trại chăn nuôi gia xúc, gia cầm khá lớn. Trước đây, do chưa biết cách tìm giải pháp tiết kiệm điện, mỗi tháng gia đình tôi dùng hơn 2 triệu tiền điện, chủ yếu để chiếu sáng và sưởi ấm cho vật nuôi. Tuy nhiên, từ khi địa phương triển khai phong trào tiết kiệm điện, cùng với việc quy hoạch lại chuồng trại theo hướng tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên và hệ thống thông gió, hạn chế sử dụng các loại bóng đèn sợi đốt nên đã tiết kiệm khá nhiều chi phí”.
Ngoài việc quy hoạch lại chuồng trại và sử dụng điện tiết kiệm, gia đình chị Lan còn xây dựng hệ thống công trình, thiết bị khí sinh học (biogas) để xử lý chất thải chăn nuôi, tạo nguồn năng lượng sinh học sử dụng hàng ngày. Nhờ đó, gia đình chị Lan giảm đáng kể các chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Doanh nghiệp sẵn sàng triển khai các phương án
Trước đề xuất tăng giá bán lẻ điện, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có mức tiêu thụ điện cao đã tính toán các giải pháp tiết kiệm điện cụ thể.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Ngay từ rất sớm, các doanh nghiệp dệt may đã quan tâm đến giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm tiết giảm tối đa chi phí. Trong các giải pháp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể thực hiện nhanh, thiết thực nhất”.
Cụ thể, các doanh nghiệp dệt may đã triển khai phương án thay thế hệ thống chiếu sáng tại các phân xưởng. Các doanh nghiệp đã sử dụng các loại đèn hiệu suất cao như led, compact, huỳnh quang T5... Bên cạnh đó, những đơn vị này còn lắp công tắc riêng cho từng khu vực để có thể chủ động tắt khi không cần thiết. Ngoài ra, các doanh nghiệp may đều đã lắp đặt các bộ tiết kiệm điện cho máy may 3S giảm công suất động cơ lúc hoạt động không tải để tiết kiệm điện…
Nhìn chung, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã sẵn sàng với việc điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, việc tăng giá điện cũng như mức độ tăng cần được cân nhắc để không tăng thêm gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp.
Tại Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), để tiết kiệm điện năng, Tổng công ty đã đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ đó, lượng điện năng tiêu thụ tại Habeco cho sản xuất không nhiều như các ngành nghề khác. Chi phí tiền điện không chiếm tỷ trọng lớn nên việc điều chỉnh giá điện sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất của Habeco. Nếu giá điện được điều chỉnh trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng công ty cam kết không tăng giá thành sản phẩm.
Hành động tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện, tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường; tiết kiệm một phần lớn chi phí cho gia đình và quốc gia. Vì vậy, việc sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng phải bằng hành động cụ thể, tự giác của mỗi người dân và mỗi doanh nghiệp.
EVN HANOI ứng dụng công nghệ trong sản xuất điện
Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh phong trào tiết kiệm điện, Việt Nam đã nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm chi phí do không phải sử dụng nguồn điện lưới. Đây được coi là giải pháp rất có tiềm năng tại Việt Nam hiện nay.
Để khuyến khích hoạt động này, Bộ Công Thương đã có Thông tư số 16/2017/TT-BCT, quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Trên cơ sở đó, EVN HANOI đã thí điểm triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại trung tâm sửa chữa điện nóng (hotline) và đã cho kết quả khả quan.
Đến nay, EVN HANOI đang áp dụng lắp đặt trên mái nhà trụ sở cơ quan Tổng công ty, các công ty điện lực, trạm biến áp 110kV-220kV. Việc làm này đã, đang góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, EVN HANOI cũng đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý năng lượng, tuyên truyền viên tiết kiệm điện, giao dịch viên điện lực có chất lượng, trình độ cao.
Nhằm cụ thể hóa hoạt động nói trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND để triển khai 5 nhiệm vụ thuộc chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn. Một trong những mục tiêu đặt ra là Hà Nội sẽ xây dựng mô hình điển hình sử dụng năng lượng hiệu quả, thúc đẩy phổ biến cho doanh nghiệp xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, ứng dụng công nghệ “công nghiệp thế hệ 4.0” trong quản lý, vận hành, sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh…