Cùng đam mê nghiên cứu khoa học, hai tiến sĩ trẻ sở hữu “Profile” cực khủng
Chân dung bác sĩ thứ 3 vừa nhận bằng Tiến sĩ thẩm mỹ tại Học viện Quân y |
Tác giả của 5 giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu
Nghiêm túc và nỗ lực không ngừng đã giúp tiến sĩ (TS) Chu Đức Hà được cộng tác với các nhóm nghiên cứu xuất sắc ngay từ khi còn là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2014, anh theo học nghiên cứu sinh ngành Công nghệ Sinh học tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam dưới sự hướng dẫn của TS Lê Tiến Dũng.
Từ đó, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt và định hướng của các anh chị đi trước và từ lúc nào không hay anh Hà đã dành tình yêu với ngành Công nghệ sinh học. Năm 2019, anh bảo vệ luận án tiến sĩ, khi đã sở hữu ba tấm bằng đại học chính quy.
Công tác tại Viện Di truyền nông nghiệp, được tiếp xúc với môi trường khoa học chuyên nghiệp đã giúp anh Hà có cơ hội theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu. Đặc biệt, được làm việc với các đồng nghiệp xuất sắc giúp anh có cơ hội học hỏi và sáng tạo. Đó cũng là cơ duyên đưa anh đến với việc nghiên cứu, cải tiến một số giống lúa ứng phó biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Chu Đức Hà |
Hiện anh là đồng tác giả của 5 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia; Đạt 4 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích quốc gia. Trong đó, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia, 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích quốc gia.
“Chúng tôi đã cải tiến giống lúa sản xuất, vốn rất mẫn cảm với các yếu tố môi trường bất lợi, bằng kỹ thuật tích hợp gene. Chúng tôi đã tạo ra dòng, giống mới, giữ đặc tính nền, năng suất cao và tăng cường khả năng chống chịu, phù hợp với những địa phương chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt”, anh Hà cho biết.
Tình yêu với khoa học là động lực để tiến sĩ Hà miệt mài lao động. Ở tuổi 35, anh là tác giả chính của 26 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín quốc tế (thuộc danh mục WoS/Scopus); 137 bài báo trong nước thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng chức danh PGS, GS nhà nước. Anh cũng biên soạn 1 giáo trình đào tạo.
Riêng trong năm 2022, với sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Hà đã đạt được một số thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật như: Công bố 30 công trình khoa học, trong đó bao gồm 5 công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus và 25 công bố trong nước trên các tạp chí uy tín trong nước (thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng chức danh); chủ nhiệm 2 đề tài cấp cơ sở trường ĐH Công nghệ năm 2021 - 2022; đồng tác giả của một sở hữu trí tuệ (đã có chấp nhận đơn). |
Để có được uy tín với các nhà khoa học lớn trong nước và quốc tế, tiến sĩ Hà đã luôn cố gắng và thậm chí phải hy sinh những công việc cá nhân để dành toàn tâm cho nghiên cứu khoa học.
“Có những nghiên cứu, tôi thực hiện với các nhóm ở Nhật, lệch múi giờ nên chuyện làm việc ban đêm là thường xuyên. Tôi cũng thường nói với các bạn trẻ là muốn nước mình ngang bằng với các nước trong khu vực thì ngủ ít thôi, vì một ngày chỉ có 24 giờ”, tiến sĩ Hà tâm sự.
Nữ tiến sĩ sở hữu 2 bằng sáng chế quốc tế
Cũng từ tình yêu lớn dành cho khoa học TS Lê Thị Phương (35 tuổi), nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã sở hữu những thành tích xuất sắc.
Tiến sĩ Lê Thị Phương |
Hơn 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, TS Phương sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia cùng 27 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế trong lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới. Hướng nghiên cứu chính TS Phương theo đuổi là phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với phương pháp truyền thống.
Một trong những công trình mà nữ tiến sĩ dày công nghiên cứu là hydrogel tiêm tại chỗ. Đây là loại vật liệu tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng y sinh như chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân ngay tại nhà. Theo TS Phương, đa số vết thương lớn hiện nay phải dùng chỉ khâu và băng gạc đồng thời đòi hỏi người thực hiện có tay nghề, hiểu biết trong ngành Y.
Tuy nhiên, hydrogel tiêm do nữ tiến sĩ trẻ nghiên cứu và phát triển, người bệnh chỉ cần tiêm vào vết thương, hydrogel sẽ bao phủ, kích thích làm lành vết thương nhanh hơn. “Việc tiêm hydrogel có thể làm tại nhà mà không cần đến bệnh viện hay cơ sở y tế. Điều này góp phần giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế”, TS Phương cho biết.
Ngoài ra, TS Phương cũng cải tiến thêm các thành phần, tính chất khác cho hydrogel như khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo... hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại có giá thành hợp lý để tiếp cận nhiều bệnh nhân.
Đặc biệt với đề tài “Điều chế và đánh giá các hệ phân phối thuốc nhắm đích trên cơ sở hyaluronic axít để tăng cường liệu pháp điều trị ung thư” được kỳ vọng sẽ cung cấp những kiến thức mới, vật liệu mới giúp tăng cường hiệu quả điều trị bệnh ung thư, một trong những căn bệnh gây tử vong cao hiện nay trên thế giới...
Hiện nay, 2 bằng sáng chế quốc tế của TS Phương đang ở trong giai đoạn đăng ký sở hữu trí tuệ. Riêng một số sản phẩm đang được xúc tiến thử nghiệm trên nhiều mô hình động vật khác nhau để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người. TS Phương hy vọng, trong tương lai sẽ sớm áp dụng các sáng chế này để tạo ra các sản phẩm thương mại đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng.