Của xin không bằng cách xin!
Dư luận xôn xao về việc Tổng cục Du lịch “xin” 400 vé máy bay |
Trong đời người, có ai chưa một lần đi xin?
Lúc bé nhỏ chơi với nhau, thấy bạn cùng phố cùng xóm ăn củ khoai, bắp ngô, thèm quá mà… xin. Thời xa xưa, tuổi thơ rơm rạ, nhà hết diêm, mẹ sai sang hàng xóm… xin lửa về nấu cơm. Lúc đi học, đến giờ kiểm tra quên mang giấy, ngoái đầu sang bạn cùng bàn xin một tờ. Lớn lên cũng vô số lần… xin. Xin đi nhờ xe đạp một đoạn đến trường. Xin đi ô tô cùng về quê đỡ phải mua vé. Xin vé mời chiêu đãi phim. Xin mỗi người mấy chục ngàn giúp một người nào đó khó khăn. Xin vào Đội, xin vào Đoàn. Có xin thì có cho, có tặng. Cái sự xin và cho cũng diễn ra như mọi chuyện thường ngày. Mặc định. Tự nhiên. Như cuộc sống vốn như thế, như cuộc đời phải vậy.Khi đạt đến sự dung dị thì xin cho như một nét văn hóa.
Cũng là “xin”, nhưng vụ việc Tổng cục Du lịch xin 400 vé máy bay, không những chẳng được đồng thuận mà dư luận còn ồn ào, bàn luận và phần nhiều là phê phán. Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thay mặt ông Tổng cục trưởng ký văn bản số 167/TCDL-TTDL ngày 2/6/2020 gửi các hãng hàng không: “… Trân trọng đề nghị các hãng hàng không cung cấp vé miễn phí các chặng bay nội địa cho các đoàn công tác của Tổng cục Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương từ tháng 6 đến tháng 12/2020”. Cụ thể là Tổng cục Du lịch đề nghị Vietnam Airlines cung cấp 200 vé; Vietjet Air cung cấp 100 vé; Bamboo Airways cung cấp 100 vé.Xin thì có thể cho, có thể không. Còn đề nghị “cung cấp vé miễn phí” thì… không cung cấp không được?
Người xưa bảo: “Của cho không bằng cách cho”. Cho tặng ai bất cứ cái gì phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, chứ đừng quá chú ý đến giá trị vật chất. Giá trị vật chất đồ cho tặng lớn, nhưng cách cho không xuất phát từ tâm chân quý, mà vụ lợi, hoặc thái độ trịch thượng bề trên ban phát, hay vụng về, thiếu tinh tế khi cho tặng thì đều gây phản cảm.
Người cho tặng cứ nghĩ người nhận phải mang ơn là một sai lầm, bởi nếu không biết cách cho tặng thì vừa mất tiền của, vừa gây khó chịu bực tức, thậm chí rước họa vào thân. Cho tặng nhiều hay ít, đồ tốt hay xấu không quan trọng, không quyết định, mà cao hơn hết thảy là cho tặng bằng cả tấm lòng. Người cho tặng một tỷ đồng nhưng mưu lợi, ban ơn, thì không bằng người cho tặng một nắm xôi mà thật lòng yêu quý, yêu thương.
“Của xin không bằng cách xin” cũng đángđể nghĩ ngợi, cảnh giác, nhắc nhở người đời như khi ứng xử “Của cho không bằng cách cho”. Sự việc Tổng cục Du lịch đề nghị “cung cấp vé miễn phí” khiến dư luận bàn luận và phần đông là phê phán, chê trách. Tổng cục Du lịch là một tổ chức thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng tham mưu, quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật về du lịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Là cơ quan Nhà nước, có nghĩa là mọi hoạt động về quản lý du lịch của Tổng cục Du lịch đều có kinh phí Nhà nước. Ngân sách quốc gia bảo đảm cho sự nghiệp hành chính, quản lý, cho đến lương của cán bộ nhân viên trong ngành. Các hoạt động quảng bá du lịch, phát triển du lịch cũng thuộc về dự án có kế hoạch được Bộ Tài chính duyệt trước cả năm. Dĩ nhiên, người Nhà nước đi công tác thì cũng có kinh phí tầu xe, máy bay, khách sạn theo tiêu chuẩn. Hà cớ gì đi “xin” vé máy bay của các doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải thích hộ cho cơ quan của Bộ rằng: “Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch gồm nhiều thành phần, trong đó có doanh nghiệp lữ hành, hiệp hội du lịch… chứ không riêng cán bộ”.Phải chăng ý tứ ở đây: Xin 400 vé máy bay để tài trợ cho cả các “doanh nghiệp lữ hành, hiệp hội du lịch”, chứ không chỉ cho cán bộ thuộc Tổng cục Du lịch. Nói vậy thì biết vậy, nhưng nói vậy chưa chắc đã vậy.
Dư luận có quyền tin hoặc không tin về những điều người thay mặt Bộ thanh minh, giải thích với dư luận. Tham gia một sân chơi, đơn giản như là sống trong cộng đồng làng xã, thì cũng “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Các thành viên tham gia sự kiện phát triển du lịch mỗi người đóng góp công của tùy theo thế mạnh. Hàng không có thể tài trợ đi lại, khu resort nào đó, khách sạn nào đó tài trợ nơi ngủ nghỉ… cũng là cách làm thường xuyên xưa nay.
Nhưng, một cơ quan công quyền trực thuộc một Bộ, mà là Bộ Văn hóa lại đi làm công văn xin doanh nghiệp vé máy bay thì cũng kỳ lạ. Đường đường phương diện quốc gia cơ mà. Làm việc gì cũng phải nghĩ Tổng cục thay mặt Nhà nước, nhân dân quản lý về du lịch. Phải đặt yếu tố văn hóa, văn minh lên đầu tiên khi sản xuất văn bản xin vé máy bay.
Những tháng vừa qua, đồng bào ta và cả nhân loại vô cùng khốn đốn trước thảm họa đại dịch Covid 19. Rất nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Công nhân thất nghiệp dài. Ngành du lịch và hàng không chịu ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ngành hàng không thế giới bị lỗ khoàng 880 tỷ USD. Hàng không nước ta cũng nằm trong cuộc đại khủng hoảng kinh hoàng đó. Lương cắt giảm, nhiều người bị thất nghiệp. Các hãng hàng không Việt Nam ước tính thiệt hại khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Chính phủ đang làm mọi cách để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vậy thì, việc Tổng cục Du lịch đề nghị “cung cấp miễn phí” 400 vé máy bay có cần thiết, có phù hợp không?
Văn bản xin 400 vé máy bay của Tổng cục Du lịch |
Ông Phó Tổng cục trưởng Du lịch thanh minh, phân trần rằng, nhiều năm Tổng cục đã phối hợp với các hãng hàng không xúc tiến, quảng bá du lịch, bằng cách cung cấp vé máy bay cho một số đoàn xúc tiến du lịch, quà tặng du khách, giải thưởng… “Bản chất văn bản này là cơ sở để triển khai cụ thể các nội dung đã được thống nhất giữa Tổng cục Du lịch với các hãng hàng không, điều này đã được các hãng hàng không thống nhất và cũng xuất phát từ áp lực sớm đẩy nhanh thị trường “du lịch nội địa”, ông nói.
Nói và giải thích thì Tổng cục Du lịch chẳng có gì sai. Văn bản xin vé máy bay chỉ là một động thái nằm trong kế hoạch, chương trình. Vậy, hà cớ gì Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phải yêu cầu Tổng cục thu hồi văn bản đề nghị “cung cấp vé máy miễn phí”? Thu hồi vì văn bản không phù hợp, không cần thiết, mà cũng chẳng chỉ ra sai chỗ nào? Không cần thiết ra sao? Không phù hợp điểm gì? Cần phải gọi ra tên văn bản xin 400 vé máy bay là gì?
Văn bản đề nghị “cung cấp 400 vé miễn phí” khiến dư luậnnghĩ đến cách “xin”chướng tai gai mắt đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Cơ quan báo chí thì đề nghị doanh nghiệp quảng cáo trên ấn phẩm bản báo. Rồi một số cơ quan Nhà nước đề nghị doanh nghiệp mua vé xem phim, xem sân khấu, tài trợ chương trình nghệ thuật. Một số đơn vị tổ chức sự kiện tỏa về các trường học đề nghị mua vé xem xiếc, xem các chương trình nghệ thuật.Xin cũng nhiều cách: Xin vật nài vật nèo. Xin như yêu cầu. Xin như ra lệnh. Xin như cưỡng chế. Không cho không được!Bây giờ, thêm cách xin như Tổng cục Du lịch:Không ra nhắc lại hợp đồng, mà cũng chẳng ra yêu cầu, bắt buộc. Chỉ thấy nó đầy cửa quyền và thiếu tinh tế!
Thực ra, so với 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways thì xin 400 vé máy bay miễn phí cũng chỉ như cái móng tay, đâu có lớn lao gì. Nhưng, chuyện lớn là “của xin không bằng cách xin”. Lấy tư cách và quyền hành của một cơ quan quản lý Nhà nước để xin, để đề nghị “cung cấp vé miễn phí” là vô cùng phản cảm, gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch Việt Nam.
Văn bản số 167/TCDL-TTDL ngày 2.6.2020 gửi các hãng hàng không đề nghị “cung cấp vé miễn phí” của Tổng cục Du lịch đã bị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch yêu cầu thu hồi. Tổng cục Du lịch đã chấp hành và xin lỗi ba hãng hàng không. Đây không phải là lần đầu tiên, cách đây hơn 1 tháng Tổng cục Du lịch cũng ra một văn bản lạ kỳ “cấm du khách không được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch” khiến dư luận xôn xao, phê phán. Để rồi 2 ngày sau lại phải ra quyết định hủy văn bản này.
Các cụ ngày xưa khuyên mọi người uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói, còn khi viết thì phải cân nhắc kỹ càng, bởi “bút sa gà chết”. Người bình thường đã phải cẩn tắc, nghiêm khắc như vậy, thì cơ quan quản lý nhà nước càng phải nghiêm cẩn, nghiêm khắc hơn để không chỉ giữ uy tín cho ngành, mà còn phải giữ thể diện quốc gia nữa.