“Cú hích” tạo động lực mới trong triển khai chính quyền đô thị
Đòi hỏi mới từ Nghị quyết 97 của Quốc hội
Những năm qua, thực hiện phương châm hoạt động “Đổi mới - sâu sát - khoa học - hiệu quả”, HĐND các cấp TP Hà Nội đã chủ động, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng phát triển Thủ đô.
Những đổi mới trong hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND thành phố đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, được cử tri Nhân dân Thủ đô ghi nhận, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao, là “điểm sáng”, là “hình mẫu” trong hoạt động của các cơ quan dân cử của cả nước.
Cùng với tổ chức hiệu quả các kỳ họp và các hoạt động giám, sát, chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị của công dân,… HĐND TP Hà Nội luôn phát huy vai trò điều hành, hướng dẫn hoạt động của hệ thống HĐND cấp huyện, cấp xã phát huy quyền lực của cơ quan dân cử tại địa phương.
Tính riêng trong năm 2021, dù dịch bệnh có làm một số kế hoạch phải thay đổi, giãn, hoãn, song tổng thể chung, HĐND các cấp thành phố đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi.
Trong đó, HĐND các cấp đã tổ chức 1.517 kỳ họp, thông qua 8.688 nghị quyết; Tiến hành 1.864 cuộc giám sát, khảo sát; Thực hiện 3.987 cuộc tiếp xúc cử tri và đã tiếp công dân 21.024 buổi ... góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo đời sống cho người dân Thủ đô.
HĐND thành phố Hà Nội khảo sát một dự án chậm triển khai tại huyện Sóc Sơn |
Dù vậy, theo đánh giá của Thường trực HĐND TP, chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ ở cả ba cấp.
Trong đó, hoạt động HĐND ở một số địa phương còn hình thức, chất lượng giám sát chưa cao, hoạt động chất vấn, giải trình chưa trở thành nền nếp hoặc chưa đem lại hiệu quả tích cực; Công tác tiếp xúc cử tri (TXCT), tiếp công dân và tiếp nhận, đôn đốc giải quyết đơn thư chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri.
Những hạn chế đó được nhận định, ngoài nguyên nhân khách quan thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, còn một số nguyên nhân chủ quan, đó là: Một số cấp ủy đảng, nhất là ở cấp xã chưa thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND; Công tác quy hoạch cán bộ HĐND có nơi chưa được quan tâm đúng mức; Số đại biểu hoạt động chuyên trách một số nơi còn ít, thiếu ổn định, chất lượng chưa thực sự đồng đều; Tổ chức bộ máy và việc bố trí cán bộ giúp việc, nhất là ở HĐND cấp huyện, cấp xã chưa tương xứng nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, khi Hà Nội đang thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, HĐND các cấp thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều quy định mới, đặc thù về tổ chức bộ máy (không tổ chức HĐND ở các phường) và về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP, HĐND quận và thị xã Sơn Tây có một số nhiệm vụ tăng thêm so với Luật.
Thực tiễn này đòi hỏi cần phải có một đề án như "chiếc xương sống" để HĐND các cấp thành phố "căn chỉnh" hoạt động, phát huy vai trò bối cảnh mới.
Có đề án, lộ trình cụ thể
Trước bối cảnh đó, Đảng đoàn HĐND TP đã trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.
Trong Đề án này, Ban Thường vụ Thành ủy xác định một số chỉ tiêu đáng chú ý là: 100% đại biểu HĐND các cấp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hằng năm, đặc biệt quan tâm đến các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; HĐND các cấp tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát. Thường trực HĐND các cấp tổ chức ít nhất 4 cuộc giám sát, chất vấn, giải trình giữa 2 kỳ họp; Các ban của HĐND các cấp tổ chức ít nhất 2-4 cuộc giám sát, khảo sát; Tổ đại biểu HĐND TP và cấp huyện tổ chức ít nhất 1 cuộc giám sát, khảo sát tại đơn vị ứng cử. Đồng thời, phấn đấu 100% đại biểu HĐND thực hiện tiếp công dân theo quy định; 100% kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND, đại biểu HĐND được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Hằng năm, Thường trực HĐND, tổ đại biểu HĐND tổ chức ít nhất 1 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề; Hằng quý, Thường trực HĐND TP tổ chức giao ban chuyên đề về hoạt động HĐND các cấp với Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã; Khuyến khích Thường trực HĐND huyện, thị xã tổ chức giao ban chuyên đề với Thường trực HĐND xã, thị trấn 6 tháng/lần…
Để tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án này, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các quận, huyện, thị ủy có trách nhiệm ban hành văn bản cụ thể hóa triển khai Đề án để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND nhằm tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP; Quan tâm công tác cán bộ HĐND cấp mình; Nhất là cần có đề án, lộ trình từng bước kiện toàn tăng số lượng, cơ cấu Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban HĐND tham gia cấp ủy và kiện toàn tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách; Tăng cường hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP, HĐND quận, thị xã tại nơi không tổ chức HĐND phường...
Với những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra, Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội” sẽ là một "cú hích" quan trọng, góp phần tạo động lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; Đồng thời, góp phần củng cố, nâng cao năng lực,bộ máy chính quyền các cấp TP; Củng cố chính quyền nông thôn tại huyện, xã, thị trấn và đưa hoạt động của cơ quan dân cử ngày một thực chất, hiệu quả ... Từ đó đưa Thủ đô ngày càng phát triển bứt phá.