Công ty Cổ phần IPP Air Cargo cam kết lựa chọn thủ tục đầu tư trong nước
Cam kết áp dụng theo điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư trong nước
Trước đó, ngày 24/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty Cổ phần IPP Air Cargo. Trong đó, cơ quan này đề nghị rà soát, kiểm tra tình trạng quốc tịch các cổ đông góp vốn tại IPP Air Cargo để xác định điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp các cổ đông góp vốn tại Công ty Cổ phần IPP Air Cargo mang 2 quốc tịch thì áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư theo khoản 2, Điều 16 Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.
Điều này có nghĩa là nhà đầu tư có quyền chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục như với nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài. Trường hợp họ chọn là nhà đầu tư trong nước, người mang hai quốc tịch không được thực hiện các quyền, nghĩa vụ với nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện cơ cấu cổ đông của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Hạnh (Johnathan Hạnh Nguyễn) và đại diện các cổ đông còn lại đều là công dân Việt Nam |
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải trước đó, các cổ đông đều là cá nhân quốc tịch Việt Nam, nên Công ty Cổ phần IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Theo Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hoá của IPP Air Cargo là dự án đầu tư trong nước, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư và không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, hàng không và vận tải hàng không là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng các quy định và được Thủ tướng chấp thuận về chủ trương lập, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Trong một diễn biến liên quan, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần IPP Air Cargo vừa ban hành nghị quyết trong đó các thành viên Hội đồng quản trị đều thông nhất xác nhận và cam kết doanh nghiệp áp theo điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước..
Ngày 31/8 vừa qua, Công ty Cổ phần IPP Air Cargo cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải cam kết áp dụng theo điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước.
Như vậy, nhóm cổ đông của IPP Air Cargo đã chủ động lựa chọn tư cách "nhà đầu tư trong nước", đồng thời không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Thành lập mới hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Việt Nam là phù hợp
Trong văn bản thẩm định hồ sơ hãng hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo tình hình phát triển ngành hàng không hiện tại để cho thấy sự phù hợp ra đời hãng bay mới.
Máy bay mang thương hiệu IPP Air Cargo đã xuất xưởng chiếc đầu tiên vào tháng 7 |
Ngày 5/9, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản giải trình ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua đó khẳng định ngành hàng không đến nay đã thích ứng với bình thường mới và có nhu cầu lớn về vận tải hàng hóa.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời điểm tháng 5/2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành hàng không đã dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế vào Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải khi đó đã quyết định tạm dừng cấp giấy phép thành lập hãng bay mới cho tới thời điểm thị trường phục hồi (dự kiến năm 2022) nhằm đảm bảo sự tồn tại cho hãng hàng không hiện hữu và tránh thiệt hại cho nhà đầu tư mới.
Sang năm 2022, lưu lượng vận chuyển hành khách nội địa và quốc tế được phục hồi và đạt đỉnh vào dịp cao điểm du lịch hè. Tính đến 31/7/2022, 5 hãng hàng không trong nước đã khai thác thường lệ 69 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với 19 sân bay địa phương. Cùng với đó, hơn 60 hãng bay nước ngoài và 4 hãng Việt Nam đã khai thác 110 đường bay quốc tế, kết nối với 24 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong đó, hãng bay Việt Nam đang khai thác 63 đường bay quốc tế đến 18 quốc gia/vùng lãnh thổ.
"Như vậy, trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, việc thành lập mới hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Việt Nam là phù hợp", Cục Hàng không kết luận.
Theo thống kê của Cục Hàng không, tại Việt Nam hiện có 47 hãng hàng không quốc tế khai thác chuyến bay chở hàng hóa thường lệ, trong đó có 27 hãng chỉ chuyên chở hàng hóa (không chở khách).
Trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt hãng chuyên chở hàng hóa của nước ngoài như China Central Longhao Airlines, China Southern Cargo Airlines (Trung Quốc), Air Incheon (Hàn Quốc), SpiceJet (Ấn Độ), Kalitta Airlines LLC và Western Global Airlines LLC (Mỹ)… được cấp quyền thực hiện chuyến bay chuyên chở hàng hóa đi/đến Việt Nam.
Trong thời gian qua, giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3-4 lần, thậm chí vào một số thời điểm, đối với một số thị trường trọng yếu của thế giới, giá cước hàng hóa quốc tế đã tăng 5-6 lần so với trước dịch Covid-19.
Hiện nay, giá cước hàng hóa từ Việt Nam đi Mỹ vẫn duy trì mở mức 8-10 USD/kg, là một trong những lý do có thêm nhiều hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là Mỹ muốn mở đường bay mới đến Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không đánh giá thị trường vận chuyển hàng hóa bằng máy bay của Việt Nam vẫn chủ yếu do hãng nước ngoài khai thác. Thị phần của hàng không Việt Nam luôn ở mức thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.