Công phu những bát Thủy Tiên ngát hương chào Xuân mới
Thú chơi hoa Thủy Tiên có từ bao giờ, đến nay chưa có một tài liệu nào chứng thực, chỉ biết rằng với người Hà Nội, đây là thú chơi đã được hình thành từ rất lâu.
Thủy Tiên là loài hoa mang vẻ đẹp quý phái, là biểu tượng của sự may mắn và trường thọ. Ngày Tết, hương hoa quyện với mùi hương trầm, mùi cam Canh, bưởi Diễn, mùi Phật thủ tạo nên không gian ấm áp của mùa Xuân.
Những năm gần đây, thú chơi hoa Thủy Tiên của người Hà Nội xưa đã “sống lại”, dần trở thành một thú chơi bình dân với chi phí không quá đắt đỏ. Những bình hoa Thủy Tiên nhỏ xinh được bày bán ở một số chợ hoa xuân, góp hương sắc làm nên không khí Tết cho Hà Nội.
Bát hoa Thủy Tiên được tỉa gọt sẵn được bày bán trên phố Hàng Lược |
Chợ hoa Hàng Lược những ngày giáp Tết luôn bày những bát hoa Thủy Tiên đã được gọt tỉa sẵn. Bà Phạm Thị Hải (74 tuổi, phố Hàng Rươi) kể, Thuỷ Tiên và hoa Đào là hai loại hoa tạo nên nét đặc trưng của phố Hàng Lược, được các gia đình phổ cố rất ưa chuộng. “Người xưa gọi hoa Thủy Tiên “đĩa vàng chén ngọc” vì rất kỳ công. Có gia đình tự gọt, có gia đình lại đi mua. Một trong các điểm mua là phố Hàng Lược này”, bà Hải cho hay.
Bên cạnh việc mua sẵn, nhiều người vẫn giữ thú chơi kỳ công này, ông Nguyễn Phú Cường (hơn 80 tuổi) là một trong những người được coi là “cao thủ” về gọt hoa Thủy Tiên.
“Thủy Tiên là loài hoa đặc biệt, mỗi năm chỉ cho hoa một lần vào dịp tháng Chạp Âm lịch và kéo dài đến khoảng rằm tháng Giêng. Cánh hoa trắng muốt, nhị hoa vàng, hương thơm nhè nhẹ, chỉ cần nước sạch tinh khiết để sống.Chính vì đặc tính này của hoa mà khiến người Hà Nội mê mẩn. Những bát hoa gọt đẹp được xem như là “đĩa bạc, chén vàng”, có cho vạn tiền cũng chẳng mua được sự kì công, tâm huyết của người gọt đặt vào trong từng bát hoa này”, ông Cường cho biết.
Củ Thủy Tiên trước khi được gọt, tỉa |
Nghe các bậc cao niên đam mê chơi hoa Thủy Tiên kể mới thấy, mỗi chậu hoa đúng là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn của người đã tạo ra nó. Từ lúc ngâm củ, nảy mầm, đâm rễ cho đến đơm hoa, mỗi củ phải trải qua ba bốn lần gọt tỉa, sửa sang rất cầu kỳ như chăm bẵm trẻ nhỏ.
Năm nào cũng vậy, cách Tết Nguyên đán hai tháng, ông Cường lại đi tìm mua củ Thủy Tiên. Ông chia ra làm bốn đợt gọt để luôn có hoa nở vào Tết Dương lịch, Tết ông Công, ông Táo, Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng.
Theo kinh nghiệm của ông Cường, củ giống phải đủ ba năm tuổi mới đủ già để cho ra hoa, lá và rễ đẹp. Củ Thủy Tiên được chọn phải là củ có lớp vỏ mỏng bọc ngoài màu cánh gián sẫm, xốp và cân đối.
Trước khi bóc, người chơi hoa phải biết đâu là mặt trước, đâu là mặt sau của củ hoa để có được ý đồ tạo dáng. Có nghĩa, người gọt phải hình dung câu chuyện của họ từ những nhát dao đầu tiên khi đặt lên củ. Để khi mầm Thủy Tiên bật lên, các ngồng hoa và làn lá, bộ rễ đảm bảo tính tương quan với nhau.
Việc bóc các lớp áo của củ hoa là việc hết sức quan trọng |
Ông Cường nhấn mạnh, việc bóc các lớp áo của củ hoa là việc hết sức quan trọng, quyết định sự đẹp xấu của một bát hoa. Bóc các lớp áo nhằm làm lộ ra lá và hoa rồi để có cách tác động cho lá và hoa phát triển theo ý muốn của người chơi.
Trông một củ hoa chỉ to hơn củ hành tây một ít nhưng người thực sự biết chơi phải gọt mất hàng tiếng đồng hồ mới xong. Sau khi gọt xong, củ hoa được đặt úp sấp trong chậu nước hai ngày. Sau 4 đến 5 ngày đặt dưỡng, lá non bắt đầu mọc ra, lúc này người chăm hoa phải dùng que tre có một đầu nhọn để nắn hướng lá.
Cao điểm là ngày thứ 8 đến ngày thứ 10 kể từ khi ngâm củ vào nước, khi lá đã ở độ bánh tẻ, người chăm phải gài các lá sao cho chúng xoắn xuýt vào nhau, rồi ba đến bốn ngày sau lại gỡ ra để chúng phát triển tự nhiên. Củ gọt đặt trong một cốc thủy tinh trong suốt, ngập sâu trong nước là bộ rễ hoa trắng muốt, mập mạp, uốn dài tựa như một thác nước. Nước để nuôi hoa tốt nhất là nước mưa hoặc nước giếng trong.
Hằng ngày, người chăm hoa phải “tắm rửa”, thay nước để hoa luôn được sống trong môi trường sạch, mới cho bông to, căng trắng muốt, lá mập mạp xanh rờn và hoa được bền lâu.
Vậy là ít nhất sau 20 đến 25 ngày chăm, dưỡng kỳ công, người chơi sẽ thấy được kết quả của mình là những “đĩa bạc, chén vàng” tầng cao, tầng thấp tranh nhau đua nở, khoe sắc tỏa hương.
Bát hoa Thủy Tiên sau khi nở |
Theo những người sành hoa, một bát Thủy Tiên đẹp phải hội tụ đủ 5 yếu tố mà người chơi hoa gọi là ngũ phúc: Rễ trắng dài giống như hàm én, bẹ trắng ôm hoa giống như những móng rồng, lá màu xanh ngọc, hoa phải 3 tầng tượng trưng cho 3 nhân tố thiên - địa - nhân và phải thơm.
Khi chơi hoa, Thủy Tiên cũng là những bông hoa linh hoạt khi có thể cho người chơi mỗi ngày một cảm xúc và hình dung khác nhau. Theo truyền miệng của các cụ, vào đúng đêm giao thừa bát hoa của vị chủ nhân nào có một “nụ nở hàm tiếu” (nở hé ra) thì được cho là mọi sự tốt lành nhiều tài nhiều lộc sẽ đến với gia đình trong năm tới.