Cơ hội mở rộng ngoại giao với nghị sĩ trẻ các quốc gia
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra từ ngày 14 - 17/9 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu.
Cơ hội tăng cường ngoại giao giữa Việt Nam với các nước
Nhận định về sự kiện này, bà Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng ban Thư ký quốc gia cho rằng, việc Quốc hội đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện; Đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Theo bà Dung, Đảng, Nhà nước và Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đối với thanh niên và công tác thanh niên, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục ghi nhận, đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp đối với thanh niên, công tác thanh niên; Ban hành các nghị định triển khai Luật Thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Tạo cơ chế, chính sách để chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội Việt Nam cũng đã thành lập nhóm Nghị sĩ trẻ từ khóa XIII, tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội trẻ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động Quốc hội; Đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách cho giới trẻ.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu hàng năm của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là diễn đàn đặc biệt dành cho các nghị sĩ trẻ gặp gỡ, trao đổi, học hỏi, định hình các chiến lược chung và đổi mới nhằm thúc đẩy mục tiêu trao quyền cho nghị sĩ trẻ và thanh niên.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 năm 2023 sẽ tập trung thúc đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng ban Thư ký quốc gia |
Theo Liên hợp quốc, chỉ có 12% các SDGs đang được thực hiện đúng hướng, trong khi 50% lệch hướng ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. Thực trạng này đòi hỏi cộng đồng quốc tế nỗ lực mạnh mẽ hơn và có bước đột phá để đạt các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030; Trong đó có chuyển đổi số, tận dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nỗ lực tăng tốc để tìm ra các cách tiếp cận và giải pháp mới đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá và con người.
"Các nghị sĩ trẻ với tư cách là những nhà chính trị gần nhất với thế hệ trẻ, am hiểu về kỹ thuật số và có nhiều đóng góp trong việc khai thác những giải pháp dựa trên tiếng nói và tài năng của giới trẻ", bà Dung chia sẻ.
Theo bà Dung, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là cơ hội để các nghị sĩ trẻ khắp nơi trên thế giới thảo luận về các hành động của nghị viện; Phát huy vai trò của giới trẻ trong việc đẩy nhanh việc thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như các giá trị văn hóa và con người.
Trưởng ban Thư ký quốc gia đánh giá, việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ là sự kiện đối ngoại có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn; Khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU; Đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên, và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
"Hội nghị cũng là dịp tốt để nước ta quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; Đồng thời là cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia", bà Dung chia sẻ.
Phát huy tiếng nói của các đại biểu Quốc hội trẻ
Là Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV trực tiếp tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan tin tưởng, với tinh thần trách nhiệm, chủ động, nỗ lực từ sớm, từ xa của Quốc hội Việt Nam, hội nghị sẽ đóng góp thiết thực, quan trọng vào thành công chung trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Đồng thời tăng cường sự hiện diện, phát huy vai trò, tiếng nói của các đại biểu Quốc hội trẻ trong các tổ chức liên nghị viện thế giới, khu vực và quốc tế.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV |
Bà Lan đánh giá, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là một cơ hội vô cùng quý báu để những đại biểu, nghị sĩ trẻ như có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, đây cũng là dịp để cùng tìm tiếng nói chung, tìm kiếm và xây dựng những giải pháp tối ưu nhằm hướng tới mục tiêu vì một thế giới phát triển bền vững, hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau.
"Tôi tin tưởng với tinh thần trách nhiệm, chủ động, nỗ lực từ sớm, từ xa của Quốc hội Việt Nam, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ đóng góp thiết thực, quan trọng vào thành công chung trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước", bà Lan chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, bối cảnh quốc tế thời gian gần đây cho thấy mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia đã và đang bị tác động ở nhiều khía cạnh khác nhau, đòi hỏi mỗi quốc gia sớm có những đánh giá và điều chỉnh hợp lý để duy trì mục tiêu phát triển của mình theo hướng nhanh và bền vững hơn. Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới đã xảy ra nhiều biến động nhanh chóng, chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn. Phát triển bền vững, chia sẻ, hợp tác dựa trên đổi mới sáng tạo, trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang là chuyển dịch quan trọng của nhiều quốc gia. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn biến rất nhanh, tác động sâu, rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh mỗi quốc gia.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng, việc đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU, là sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Hội nghị góp phần thúc đẩy lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Đồng thời, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 cũng là dịp tốt để chúng ta tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Là cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.