Chuyển việc sát hạch lái xe sang Bộ Công an: Liệu có tốt hơn trước hay không?
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại các trung tâm đào tạo lái xe ô tô ở TP HCM Giấy phép lái xe được cấp điểm mỗi năm: Công khai dữ liệu vi phạm |
Đề xuất Bộ Công an chủ trì việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe
Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT). Trong đó, Chính phủ thống nhất tách Luật Giao thông đường bộ thành hai dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ (Luật mới).
Chính phủ thống nhất nội dung cơ bản của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an liệu có tốt hơn trước hay không? |
Trong đó, đáng chú ý là việc Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện nay.
Theo một thành viên Ban soạn thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, về nguyên tắc, các thành tố chính để bảo đảm TTATGT (sự di chuyển, đi lại của người và phương tiện trên đường giao thông) gồm: Người điều khiển phương tiện giao thông; Phương tiện giao thông; Người và phương tiện kết nối với hạ tầng giao thông (thông qua quy tắc giao thông). Trong đó, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất ATGT.
Do đó, để bảo đảm TTATGT phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe (GPLX) và sau khi được cấp GPLX.
Việc quản lý một cách xuyên suốt và nhất quán sẽ minh bạch. Bởi thứ nhất, việc đào tạo, sát hạch lái xe trong luật đã thể hiện rất rõ là mức độ xã hội hóa rất cao. Đặc biệt là cơ sở vật chất và giáo viên trên cơ sở hoạt động theo mô hình Luật Đầu tư, không phải là Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất và con người.
Thứ hai, trung tâm sát hạch cũng phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Còn lực lượng chịu trách nhiệm để sát hạch, cấp GPLX, đảm bảo an toàn là Bộ Công an.
Chúng ta đã có cơ chế đầy đủ giám sát lẫn nhau. Nhà nước, Bộ Công an không đầu tư một hệ thống cơ sở vật chất dùng riêng để đào tạo, sát hạch GPLX mà trên cơ sở xã hội hóa mạnh mẽ và lực lượng công an phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.
Các thông tin về GPLX đều sẽ nhập trên một dữ liệu chung toàn quốc để từ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đều có thể dễ dàng tra cứu. Hiện, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT tiến hành và triển khai đồng bộ phần mềm dữ liệu cấp đổi GPLX và xử lý vi phạm.
Khi phần mềm này ra đời, toàn bộ GPLX cấp đổi, phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm sẽ có trong hệ thống phần mềm này. Khi ra quyết định phạt thì CSGT đều phải nhập dữ liệu vào hệ thống này, tài xế có thể dễ dàng tra cứu mình còn bao nhiêu điểm. Hệ thống cũng giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp theo dõi cả quá trình lái xe của từng người...
Liệu có tốt hơn trước hay không?
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn trước đề xuất chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an quản lý. Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, trước năm 1995, Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 36 chuyển toàn bộ lĩnh vực này sang Bộ Giao thông vận tải.
Một lĩnh vực quản lý Nhà nước chuyển đi, chuyển lại giữa hai Bộ là không cần thiết, có thể gây xáo trộn và ảnh hưởng đến người dân trong khi chưa thể khẳng định cơ quan nào quản lý sẽ tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng băn khoăn, khi việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy pháp lái xe và kiểm tra, xử lý đều do một đơn vị phụ trách là Bộ Công an thì cơ quan nào sẽ giám sát?
Ông Thanh nêu ý kiến, đào tạo và sát hạch bằng lái xe là lĩnh vực dân sự nên để cơ quan dân sự phụ trách, còn lực lượng vũ trang tập trung vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định hiện hành, trong đó có công tác tuần tra, xử lý vi phạm.
"Chúng ta cần khảo sát xem hệ thống đào tạo, sát hạch hiện nay như thế nào để đưa ra kết luận khoa học, không thể nói đơn giản là để cơ quan nào làm thì hiệu quả hơn. Thực tế ngành Công an đã quản lý lĩnh vực này 30 năm trước khi chuyển giao cho ngành Giao thông vào năm 1995, khi đó số vụ tai nạn hằng năm nhiều hơn hiện nay", ông Thanh nói.
Vị chuyên gia lo ngại, khi tiếp nhận công tác sát hạch bằng lái thì Bộ Công an phải tăng thêm cán bộ quản lý, trong khi đó Sở Giao thông vận tải ở các tỉnh lại thừa nhân sự phụ trách việc này. "Các cán bộ ngành Giao thông vận tải không dễ chuyển sang lực lượng vũ trang. Việc chuyển đổi có thể gây xáo trộn về công tác cán bộ hàng loạt đơn vị", ông Thanh nhận định.
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng Luật Giao thông đường bộ hiện gồm 4 nội dung về kết cấu hạ tầng, quy tắc giao thông, phương tiện và người lái. "Người dân chỉ xem một luật là hiểu được, nếu tách ra sẽ gây khó khăn cho họ trong việc nghiên cứu các điều khoản liên quan", ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam băn khoăn.
Một số ý kiến khác của các chuyên gia giao thông cũng lo ngại rằng, hiện nay, Bộ Công an đang nắm quyền giám sát, xử phạt vi phạm giao thông trên đường. Nếu như đề xuất trên của cơ quan này được thông qua, Bộ Công an gần như nắm quyền xuyên suốt từ quá trình đào tạo, cấp bằng đến xử phạt lái xe trên đường.
Khi đó sẽ có rất nhiều vấn đề cần được làm rõ. Đó là, việc thay đổi đơn vị phụ trách đào tạo, cấp GPLX có đi đôi với nâng cao chất lượng lái xe và tránh được tiêu cực không? Bộ Công an muốn phụ trách liệu có đảm bảo và cam kết sẽ làm tốt hơn Bộ GTVT, sẽ không để xảy ra tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX không?
Đặc biệt, điều quan trọng nhất nhưng không phải ai cũng chú ý tới, đó là sau khi toàn bộ dây chuyền từ đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và kiểm tra vi phạm trên đường đều trở về Bộ Công an, cơ quan nào sẽ đứng ra kiểm tra, giám sát?
Dự kiến, trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.